Trang chủ / Tin tức chung / Trân trọng sử dụng hàng nội địa là thiết thực yêu nước

Trân trọng sử dụng hàng nội địa là thiết thực yêu nước

PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 29/04/2020

Để bảo vệ và phát triển hàng hoá nội địa, đảng và nhà nước đã phát động phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Người tiêu dùng trân trọng sử dụng hàng nội địa là thiết thực, tạo điều kiện cho công nghiệp, nông nghiệp phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá, khắc phục tình trạng xuất khẩu thô các nguyên vật liệu.

An active use of domestic goods is truly patriotic

 PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Để tồn tại và phát triển, con người cần được đáp ứng những nhu cầu tự nhiên theo tính bản năng của sinh tồn, xã hội càng phát triển, những nhu cầu càng phát triển theo. Mong muốn của con người rất phong phú và đa dạng. Sự đa dạng của mong muốn có nhiều nhân tố chi phối, trong đó có cả những nhân tố do chủ quan và cá tính của từng người và những nhân tố khách quan do môi trường xã hội tác động. Yêu cầu tiêu dùng là nhu cầu về loại sản phẩm gắn liền với mức giá cụ thể, bởi vì giá cả của hàng hoá có liên quan mật thiết đến khả năng thanh toán của con người. Các nhà kinh doanh không thể sản xuất ra sản phẩm hàng hoá, cung cấp dịch vụ với chi phí cao và giá bán vượt qúa khả năng thanh toán của khách hàng. Họ cần phải đảm bảo tính thích ứng của sản phẩm không chỉ với nhu cầu và mong muốn của khách hàng, mà còn cả với khả năng tài chính của từng nhóm khách hàng. 

Nhiều vấn đề xã hội hiện đại đang đặt ra cấp bách: ô nhiễm môi trường, sinh thái, sức khoẻ cộng đồng, đói nghèo và bệnh tật, lao động và việc làm, công bằng xã hội, đang đặt ra cho người tiêu dùng phải cân nhắc lựa chọn khi chọn các hàng tiêu dùng để không chỉ vừa với túi tiền, lại không xảy ra các hiện tượng ngộ độc, hại sức khoẻ hay tốn tiền do mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất. Các công ty phải trở thành những người công dân tốt, họ cần có quan điểm kinh doanh vì con người, kinh doanh văn minh. Đó cũng là cách thức bảo vệ sự phát triển lâu dài của chính họ. Môi trường kinh tế đóng vai trò nhất trong sự vận động và phát triển của thị trường. Thị trường cần có sức mua. Sức mua hiện có trong một nền kinh tế phụ thuộc vào thu nhập hiện có, giá cả, tiết kiệm, nợ nần và khả năng huy động vốn của người tiêu dùng. Khi nghiên cứu môi trường kinh tế người làm marketing phải theo dõi chặt chẽ những xu hướng chủ yếu trong thu nhập và cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng. 

Để bảo vệ và phát triển hàng hoá nội địa, đảng và nhà nước đã phát động phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Người tiêu dùng trân trọng sử dụng hàng nội địa là thiết thực, tạo điều kiện cho công nghiệp, nông nghiệp phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá, khắc phục tình trạng xuất khẩu thô các nguyên vật liệu. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong nước, tăng cường tích luỹ, đổi mới công nghệ để tiến tới trụ vững trên thị trường  của  đất  nước  mình,  cạnh  tranh  sòng phẳng và lành mạnh với hàng ngoại nhập. Tiêu thụ hàng nội địa là thiết thực góp phần tạo việc làm cho người lao động, xoá đói giảm nghèo. Phong  trào  này  đã  được  sự  hưởng  ứng  của quảng đại nhân dân. Ngay tại Hà Nội, 85 % hội viên cựu chiến binh đã đăng ký sử dụng hàng Việt Nam, các hội viên của hội phụ nữ cũng đang tích cực tham gia. 

Theo TPP thì tới đây hàng hoá nhập khẩu vào sẽ được miễn thuế, thuế bằng 0. Nếu ta không quan tâm, không nâng cao giá trị hàng hoá trong nước thì ta sẽ thua ngay trên thị trường của mình. Việt Nam chúng ta là nước nông nghiệp, hàng hoá nông nghiệp rất lớn, nhưng do xuất khẩu thô, không chế biến, chất lượng thấp nên bị thua thiệt, không có thương hiệu. Do tình trạng sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây mất an toàn cho người tiêu dùng nên có nguy cơ mất thị trường ngay trên thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng sản xuất sạch hơn nhưng vẫn không trụ nổi. Mới đây VinGroup cho ra mắt thị trường mẻ rau an toàn đầu tiên, sau 6 tháng tập đoàn này tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn. Toàn bộ rau của VinEco được phân phối trong thệ thống siêu thị Vinmark, siêu thị trên toàn quốc. Với mẻ rau chất lượng, VinGroup tự tin chào hàng miễn phí  đến  tay  người  tiêu  dùng  trong  hệ  thống Vinhomes tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Rau sạch Tràng Đài không thể cạnh tranh về giá cả với khoai tây Trung Quốc tràn vào Việt Nam làm giả khoai tây Đà Lạt. Chúng ta hoan nghênh ngày càng có nhiều hợp tác tiêu thụ nông sản giữa các địa phương như giữa Hà Nội với An Giang, Tiền Giang. Nhiều lò giết mổ ở Chương Mỹ (Hà Nội) thủ công, nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm (VSTP), hàng trăm tấn lợn được giết mổ trên nền bẩn thỉu. Mỗi ngày lò giết (70 ÷ 80) con, khu giết mổ, cạo lông, sơ chế không có bệ để thịt cho khô ráo khiến người tiêu dùng lo lắng. Theo tin của các cơ quan truyền thông, vừa qua các cơ quan quản lý đã kiểm tra và phát hiện nhiều lò mổ tự giết mổ rồi tự dán tem an toàn của Chi cục thú y mà không hề có cán bộ kiểm tra, làm cho người tiêu dùng càng thêm lo lắng. 

Vấn đề tồn tại lớn của sản xuất và tiêu dùng của chúng ta là: 

- Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. 
- Chưa có vùng nguyên liệu trong nước có chất lượng cao. 
- Chưa xây dựng được thương hiệu Việt Nam, kể cả gạo, chè, cà phê... 

Các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc lại mang nhãn hiệu của nước ngoài. “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải bất cứ giá nào. Vì lợi ích của người tiêu dùng, yêu cầu phải xây dựng các quy trình sản xuất nghiêm chỉnh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo sản xuất sạch, phải nói không với thuốc bảo vệ thực vật và chất kháng sinh trong trồng trọt và chăn nuôi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải xây dựng các thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa phải có xuất xứ rõ ràng. 

Trải qua 9 năm thực hiện (2009 - 2018), cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành, đông đảo doanh nghiệp và nhân dân trên cả nước nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia. Hiện nay, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định với hơn 9.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó có trên 90 % hàng hóa được sản xuất trong nước. Không dừng lại ở những thành công ấy, các doanh nghiệp trong nước cần phải chuyển mình để nắm bắt được xu thế, tâm lý của người tiêu dùng đang ngày càng khắt khe và hiểu biết hơn. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang một giai đoạn mới, không chỉ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, mà tiến đến hàng Việt Nam chinh phục người Việt. 

Đi tiên phong trong chiến dịch “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” là sản phẩm mang thương hiệu Việt được cả thế giới ngưỡng mộ bởi những thành tựu mà thương hiệu này làm được trong một thời gian kỷ lục, chưa đầy 1 năm. Đó chính là sản phẩm xe Vinfast đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người khi lần đầu tiên tham gia Triển lãm ô tô Paris Motor Show 2018 với 2 dòng xe LUX A2.0 và LUX SA 2.0. Xe Vinfast đã đưa nền công nghiệp ô tô Việt Nam lên tầm cao mới. Công ty tư vấn độc lập Altera Solutions (Mỹ) trong báo cáo phân tích sự cạnh tranh của Vinfast so với các “ông lớn” trong ngành công nghiệp ô tô quốc tế nhận định, Vinfast có những năng lực tự sản xuất ở nhiều công đoạn quan trọng, có thể bứt phá trở thành nhà sản xuất ô tô thành công. Để có kết luận trên, Altera Solutions đã thực hiện một phân tích so sánh thương hiệu ô tô Vinfast của Việt Nam với các hãng ô tô ở khu vực châu Á như Mazda, Toyota, Suzuki, Tata; các hãng ở Châu Âu như BMW; Jaguar, Land Rover và Ford ở Mỹ. Theo đó, nếu tính theo phần trăm các công đoạn tự làm, Vinfast sẽ có năng lực tương đương với Daimler, vượt Mazda, Suzuki, Jaguar, Land Rover, Ford, Tata... Còn tính tổng các cấu phần mua ngoài, năng lực của Vinfast sẽ tương đương với Toyota, BMW. Về phần thân xe, nghiên cứu cho rằng, các khâu như dập, hàn, sơn thân xe của Vinfast có năng lực tự làm tương đương như các nhà sản xuất BMW, Daimler, Land Rover, Jaguar, Toyota,  Ford,  General  Motors.  Đặc  biệt  Altera nhấn mạnh, hãng xe Việt Nam có khả năng tự sản xuất các công đoạn quan trọng của động cơ như gia công và nhiệt luyện trục khuỷu, gia công xi lanh, gia công thân máy và lắp ráp động cơ. 

Từ những phân tích trên, Altera cho rằng, tân binh ô tô đến từ đất nước hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương này “đang từng bước hoàn thiện quy mô và tự lực nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất ô tô đầu tiên ở Việt Nam”. Là công ty sản xuất ô tô quy mô hoàn thiện đầu tiên của Việt Nam, Vinfast đã đầu tư vào công nghệ, con người và tài chính để sản xuất. Theo Altera Solutions, với một ngành công nghiệp trong đó chu kỳ sản phẩm và thời gian phát triển trung bình 5 năm, việc bắt đầu với một cánh đồng hoang để cho ra những chiếc xe đầu tiên trong vòng 2 năm là một điều hầu như chưa từng nghe thấy và đó là minh chứng cho tầm nhìn của Vinfast, những người sáng lập và đội ngũ tâm huyết của họ. 

(Báo Thanh niên ngày 14/11/2018) Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổng kết 9 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, việc phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và ra mắt xe Vinfast là sự kiện đầy ý nghĩa để khuyến khích đội ngũ doanh nghiệp, cả tư nhân và khối doanh nghiệp nhà nước, hộ kinh doanh cá thể vươn lên, tăng cường đầu tư khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến chinh phục thị trường nội địa đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân. Thủ  tướng  nhấn  mạnh,  trong  bối  cảnh  hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu đối với các mặt hàng điện tử, may mặc, giày da; nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu đạt đẳng cấp  quốc  tế,  đặc  biệt  là  trong  lĩnh  vực  công nghiệp ô tô. Thủ tướng hoan nghênh VCCI phối hợp với tập đoàn Vingroup tổ chức sự kiện phát động lần này; đồng thời biểu dương Vinfast trong thời gian ngắn nhưng đã tạo ra chuỗi giá trị ô tô, xe máy mang thương hiệu Việt Nam. Đồng thời, có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thực hiện các cam kết đối với người tiêu dùng, bảo đảm các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, nhất là về khí thải công nghiệp; vừa tạo ra nhiều việc làm cho người dân vừa phát triển ngành sản xuất ô tô của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị VCCI, Bộ Công-Thương và các cơ quan liên quan phối hợp chủ trì với các hiệp hội, doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Đây cũng chính là khát vọng của mọi người dân Việt Nam để xây dựng thương hiệu Việt chất lượng cao, phát triển một nền kinh tế tự cường. 

Tại buổi lễ ra mắt xe Vinfast đã chính thức công bố giá bán “3 không” đối với ô tô phân khúc cao cấp LUX và phân khúc phổ thông Fadil. Theo đó, biểu giá công bố chính thức của ô tô Vinfast lần lượt là 1,818 tỷ đồng với Vinfast LUX SA 2.0 (SUV); 1,366 tỷ đồng với Vinfast LUX A 2.0 (Sedan) và 423 triệu đồng với Vinfast Fadil. Tuy nhiên, trong thời gian đầu để khuyến khích đồng bào cùng chung tay xây dựng thương hiệu Việt - niềm tự hào Việt Nam thì ngoài chính sách giá “3 không”, Vinfast còn áp dụng chính sách khuyến mãi đặc biệt, mức giá cụ thể là 1,136 tỷ đồng với Vinfast LUX SA 2.0; 800 triệu đồng với Vinfast LUX A 2.0 và 336 triệu đồng với Vinfast Fadil. Các biểu giá trên đều chưa bao gồm VAT. Để sở hữu một chiếc xe ô tô Việt đẳng cấp quốc tế với giá tốt nhất - khách hàng chỉ cần ký thỏa thuận đặt mua xe ngay tại Lễ ra mắt xe Vinfast   tại   Công   viên   Thống   Nhất   (20 - 21/11/2018) và tại các showroom Vinfast trong các Trung tâm thương mại Vincom trên toàn quốc từ ngày 20/11/2018. Mức đặt cọc cho mỗi xe Fadil là 20 triệu đồng, cho Lux là 50 triệu đồng. Sau sự kiện ra mắt tại Hà Nội, Vinfast sẽ tổ chức lễ ra mắt, mở bán và nhận đặt xe Vinfast ở thành phố Hồ Chí Minh từ 10 h đến 22 h ngày 25 và 26/11/2018 tại khu đô thị Vinhomes Central Park. 

(Báo Hà Nội Mới ngày 22/11/2018) Để trụ vững trên thị trường của mình, nâng cao chất lượng của hàng nội địa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, nhà nước đã đầu tư 13 dự án hỗ trợ phát triển hàng nội địa. Hy vọng với sự quan tâm của nhà nước, lòng yêu nước, yêu các hàng hoá sản xuất trong nước, người tiêu dùng Việt Nam sẽ góp phần tích cực cho hàng hoá nội địa không ngừng phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Nhân dân ta ai cũng luôn yêu nước bảo vệ đất nước và thường nhớ câu hát:

“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”

Hưởng ứng lời kêu gọi của đảng, nhà nước: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chính là thể hiện lòng yêu quê hương đất nước.