Trang chủ / Môi trường / Phải đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế nhựa và nilon

Phải đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế nhựa và nilon

PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 18/07/2019

Mặc dù vật dụng bằng nhựa có nhiều công dụng và giá trị, nhưng chúng ta đang trở nên quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường.

To promote the production of materials replacing for plastic products

PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 
Nguyên Giám đốc Sở KHCNMT Hà Nội

Mặc dù vật dụng bằng nhựa có nhiều công dụng và giá trị, nhưng chúng ta đang trở nên quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Mỗi phút chúng ta mua 1 triệu chai nhựa. 

Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon. 50 % vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng một lần. Gần một phần ba túi nilon chúng ta sử dụng không được thu gom và xử lý do đó làm ô nhiễm môi trường tự nhiên. Hàng năm có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, đe dọa hệ động vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm, và nó có thể tồn tại 1000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn [1]. Chất nhựa đã hiện hữu trong nguồn nước sinh hoạt của chúng ta. Điều đó có gây hại đến sức khỏe. 

Các nhà khoa học chưa chắc chắn nhưng chất thải nhựa chứa một số hóa chất có thể gây độc và rối loạn hóc môn. Chất thải nhựa cũng là cục nam châm hút các chất độc khác như là dioxin, kim loại và thuốc trừ sâu. Ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội [2]. 

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc...) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. 

Thống kê của Tổ chức Việt Nam sạch và xanh cho thấy, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Ngày nay, không khó để tìm thấy những sản phẩm làm từ nhựa trong các vật dụng hàng ngày. Túi nilon, vỏ chai nước, ống hút, tăm bông... đều là sản phẩm chỉ sử dụng một lần, song lượng nhựa đó khi thải ra môi trường gần như không tự phân hủy. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam), không chỉ là quốc gia thứ 5 về phát thải rác thải nhựa, mà Việt Nam còn được biết đến là nước có số lượng rác thải nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Sự tích tụ của các mảnh rác vụn trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người. 

Hiện nay, trên đất nước ta, có rất nhiều vật liệu có thể thay thế được đồ dùng bằng nhựa và túi nilon, chỉ cần nhà nước và các cơ quan của bộ và ngành có chủ trương đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế, phát động phong trào quần chúng rộng rãi, chúng ta hoàn toàn có thể làm được từ các vật liệu như mây tre đan, cỏ tế, cây lục bình, cây vọt, cây lau, sậy. Nhiều tỉnh, thành hiện nay đã dùng lá chuối, lá rong riềng để làm bao bì gói thay túi nilon là một ví dụ. Đồ mây tre đan là những đồ dùng sinh hoạt quen thuộc từ lâu đời của người dân Việt Nam nói chung và của những cư dân Hà Nội nói riêng. Nó xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống con người, cần những vật dụng như sọt, rổ, rá đẻ đựng lương thực, thực phẩm và tre, nứa, giang, sậy là những nguyên liệu sẵn có, gần gũi nhất với con người lúc bấy giờ. Tre làm cột làm kèo dựng nhà. Tre làm chiếc giường, chiếc chõng cho người ngả lưng. Tre làm cánh cửa liếp cho người mở, khép. Tre chẻ nan đan sọt, đan dần, sàng, thúng, rổ, rá, cái lờ, cái nơm, cái dậm,... lạt tre lạt giang chẻ mỏng, dẻo dai. 

Trong các làng nghề mây, tre đan của Hà Nội, Ninh Sở (huyện Thường Tín) là làng nghề mây tre đan nổi tiếng. Nguyên liệu chủ yếu là giang cật, sậy, tế. Những cây này đều ở rừng nên việc chuyên chở thuận tiện nhất là đóng bè xuôi sông. Ninh Sở cũng là làng nằm ven sông. Tục truyền ngày trước, thôn xóm chỉ gồm mấy xóm nghèo nổi lên với tên gọi Ba Gò, mãi sau này, nhờ công sức người gây dựng, xóm Ba Gò mới thành Ninh Sở đông đúc như ngày nay. Trong thần đền của đền làng Bằng Sở (làng có nghề đan chính của xã Ninh Sở) có ghi. "Đền dựng thời Cảnh Hưng. Một buổi các cụ đi bán rổ rá qua sông vớt được pho tượng và rước về dựng đền thờ...". Như vậy nghề tre đan của làng có từ trước thời Cảnh Hưng. Ngày trước, mặt hàng chính của Bằng Sở chỉ có mấy thứ chính như nong, nia, dần, sàng. Nghề tập trung phát triển ở bốn họ chính: Phạm, Phùng, Lê, Đỗ. Cách đan thuở ấy là long tứ và long tam. 

Ngoài các, mặt hàng sinh hoạt thông dụng kể trên, làng có đan thêm giỏ cua, cái lờ đơm cá, cái đó đơm tôm, cái dậm bắt cá. Mãi về sau này, người ta mới biết chẻ nứa nan mỏng để đan cót, đan bồ. Có cót đan lóng đôi, cót lóng ba... Cót bồ thuận tiện cho nhà nông đựng thóc ngày mùa. Từ bao đời nay, Ninh Sở vẫn là phần quê giữ nghề tre đan nổi tiếng. Người làm nghề không kể thời gian. Niềm vui lao động, niềm say mê nghề đã thúc giục họ làm nên những sản phẩm tre đan truyền thống, làm giàu cho quê hương. Hàng tháng, Ninh Sở vẫn có những người đi lên tận rừng cao, suối sâu để khai thác nguyên liệu. Lên Thác Bờ, Yên Bái, Lai Châu thì cho vầu, nứa; ngược Cao Bằng, thì lấy được tế; vào Hòa Bình thì kiếm giang; vào Nghệ An, Thanh Hóa để kiếm cật, nùng. Trăm ngả đường, trăm cánh rừng về làng tre đan, hội tụ, để thành hàng tre đan. 

Trong các mặt hàng, ghế mây song là một sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ. Về nguyên liệu, phải chọn những sợi song thật tốt, vót mấu, róc lá. Những cây song này thường ở rừng già tốt hơn loại song mọc ở sườn núi và khe suối. Nếu cây song mọc ở đỉnh núi, ở sườn núi hoặc ở dưới khe nước mà đem làm ghế thì cũng không tốt. Vì như thế, song có thể khô giòn, hoặc xốp thịt quá. Cây song dài 5 m hay 10 m mà đầu cây, gốc cây tròn chằn chặn bằng nhau, đem làm ghế thì tốt. Sau khi lựa chọn được cây song, thì đem uốn song để định hình. Đây là một khâu vất vả, đòi hỏi phải có tay nghề lão luyện. Người uốn song phải thật điềm tĩnh, không được nóng vội. Họ ngồi cả ngày bên bếp lửa. Bếp lửa nhóm lên lom dom, lửa không được bốc cao (vì dễ cháy lớp vỏ song) rồi hơ thân song lên trên bếp lửa uốn dần thành vai ghế, tay ghế, thành ghế. Người thợ uốn sành, một buổi cũng uốn được dăm bảy khung ghế. 

Chương Mỹ là cái nôi của làng nghề mây, tre, giang đan của Hà Nội với 174 làng nghề, chủ yếu là mây, tre đan. Các làng nghề mây, tre đan có rất nhiều sản phẩm hàng hóa độc đáo, đặc trưng; có sức lôi cuốn khách đu lịch đến tham quan. Các làng nghề mây, tre đan ở Chương Mỹ được coi là một trong những cụm làng nghề lớn nhất tỉnh. Tuổi bình quân của các làng nghề khoảng gần 400 năm. Xã Phú Nghĩa nằm ở phía tây huyện Chương Mỹ, cách trung tâm huyện lỵ 5 km và cách nội thành Hà Nội 27 km; nằm dọc theo trục quốc lộ 6A nối liền thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi Tây Bắc; xã có 7/7 làng được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) công nhận làng nghề, trong đó Phú Vinh là làng nghề truyền thống. Xã có 7 thôn, 10 đơn vị hành chính thôn, xóm. Cả xã có 2.217 hộ với tổng số 10.018 nhân khẩu, trong đó có 5.307 người trong độ tuổi lao động. Ở Phú Vinh, gia đình nào cũng có người làm hàng mây, tre. Nghề mây tre giải quyết được việc làm cho người dân lúc nông nhàn, việc làm cho người phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân Phú Vinh tương đối khá giả. Trong xã, số hộ khá, giàu chiếm 45 %, hộ trung bình chiếm 41,1 %, hộ nghèo chỉ còn 13,9 %. 

Hàng mây, tre đan của Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, chim thú... Nhìn những mặt hàng này tưởng như được thêu bằng nan. Sản phẩm của xã đã được xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới. Năm 2001, xã Phú Nghĩa đã được chọn là điểm du lịch làng nghề Phú Nghĩa theo tua du lịch của các điểm trên địa bàn. Năm 2004, Sở Công nghiệp Hà Tây (nay là Sở Công-Thương Hà Nội) đã chọn Phú Vinh để khảo sát, xây dựng dự án về phát triển làng nghề kết hợp du lịch. Đến nay quy hoạch làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch đã được phê duyệt [3]. Kỹ thuật đan mây, tre trải qua nhiều công đoạn rất công phu, tỉ mỉ và phụ thuộc vào tay nghề của nghệ nhân. Các bước chính của công nghệ gồm 3 khâu chính: chọn lựa nguyên liệu à xử lý nguyên liệu đúng kỹ thuật à chế tác theo sơ đồ sau.

Nguyên liệu sau khi được tuyển lựa 
↓ 
Được phơi tái (kỹ thuật/ phương pháp phơi ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm)
 ↓ 
Ngâm hoá chất 10 ngày để chống mối mọt 
↓ 
Nghiền mấu, đánh bóng
 ↓ 
Hun sấy để có màu như ý (nâu hay đen)
 ↓ 
Uốn thẳng
 ↓ 
Chẻ, cắt đúng kích thước
 ↓ 
Tạo sản phẩm bởi các nghệ nhân
 ↓ 
Dùng sơn PU để tạo màu sản phẩm đẹp
 ↓ 
Đóng gói xuất xưởng

Bên cạnh làng nghề Ninh Sở, Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) là một làng nghề mây, tre đan nổi tiếng. Mỗi sản phẩm mây, tre đan Phú Vinh là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Muốn có một tác phẩm như ý, trước tiên người thợ làng Phú Vinh phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm. Ví dụ như cây tre, nứa, vầu, trúc ... và nhiều loại tre, bương khác là loại cây thuộc họ lúa. Cây tre là loại cây mọc thẳng, có độ cứng cao, khô thì giòn, đặc biệt tre có chứa chất đường dễ bị mọt ăn nên khi sử dụng vào việc đan phải xử lý chống mọt [4]. Nguyên liệu mua về được phơi tái. Sau đó cho vào bể ngâm hoá chất chống mối mọt, thời gian ngâm 10 ngày để cho tre ngấm đều hoá chất. Sau đó vớt tre ra để nghiến mấu, cạo vỏ, dùng giấy giáp đánh bóng và phơi tre khô. Công đoạn tiếp theo là đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun lấy mầu, sản phẩm có màu nâu tây hay nâu đen, là do thị hiếu của khách hàng yêu cầu. Sau khi hun lấy màu, đưa tre ra khỏi lò để cho nguội và đưa lên uốn thẳng. Bước vào công đoạn đóng đồ, những người thợ cả chọn nguyên vật liệu để cắt ra các mặt hàng sao cho phù hợp những sản phẩm được ra đời. Màu sắc của sản phẩm còn nhiều loại, có thể là từ màu nguyên thuỷ của mây hun hay được hỗ trợ qua cách pha chế sơn PU. Mây là tên gọi chung cho khoảng 600 loài cây thuộc họ cau, phân bố tự nhiên thuộc các khu vực nhiệt đới. Mây là lâm sản ngoài gỗ được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình (nội thất) như bàn, ghế hay giỏ đựng. 

Chất lượng và mỹ thuật sợi mây là một trong hai yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm mây đan. Người Phú Vinh vốn có tay nghề rất cao. Họ hiểu sâu sắc cây mây, thứ vật tư quan trọng nhất của nghề mây, thuộc nết thuộc tính từng cây,  từng sợi mây. Sản phẩm mây được làm ra ở đây đã đạt đến đỉnh cao nhất trong nghệ thuật đan mây. Thành công này trước hết thuộc về công lao của các nghệ nhân. Ví dụ: 

- Hàng đĩa: nan mỏng, không có cạp, đan lát đơn giản, hàng không chắc chắn. 
- Hàng rổ: nan mỏng, có cạp, đan lát nhiều lần tạo lỗ nhỏ, hàng tương đối chắc 
- Hàng tê: nan dày phải vót, đan lát đơn giản, hàng cứng cáp nhưng không thoáng. 
- Hàng lô: nan dày, đan lát có cốt (khuôn hàng), hàng cứng, cáp chắc chắn. 

Phú Vinh là quê hương của mây đan với những sản phẩm mỹ nghệ bằng mây đạt tới đỉnh cao nghệ thuật tạo hình dân gian của Việt Nam. Người Phú Vinh cha truyền con nối, đến nay đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng, xuất khẩu là chủ yếu gồm đủ loại: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây: 

- Đĩa mây: gồm đĩa tròn, đĩa bát giác, đĩa rua miệng, đĩa vuông, đĩa chữ nhật, đĩa bán nguyệt, đĩa vỏ dưa, đĩa hoa muống, đĩa lót tròn... 
- Bát mây: có bát răng cưa, bát rua miệng, bát trơn mộc, bát đáy dày... 
- Chậu mây: có chậu đứng cong, chậu thắt suốt, chậu thau... 
- Lẵng mây: lẵng xách tay, lẵng bán nguyệt, lẵng quai chai... 
- Làn mây: làn viên trụ, làn chữ nhật, làn kép, làn đơn... 

Trong các nghề thủ công, nghề mây, tre hiện đang được bảo tồn, có truyền thống khá tốt. Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre là hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật inh xảo. Không thể phủ nhận, nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Hiện nay, sản phẩm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... 

Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hóa có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Dùng cỏ tế để làm các dụng cụ thay thế, từ cây cỏ tế - một loại cỏ mọc hoang trên rừng, người dân nơi đây với bàn tay khéo léo tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày như rổ, rá cho đến giường tủ, bàn ghế ... hay các vật phẩm có giá trị nghệ thuật như khung ảnh, lọ hoa, con giống... Các sản phẩm này đã giành được sự ưa chuộng trên thị trường trong nước và ở 20 quốc gia trên thế giới. Qua bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ, loài cỏ  rừng như ẩn chứa một thứ ngôn ngữ nghệ thuật chinh phục bao du khách tới thăm. Từ nguyên liệu cỏ tê, những bàn tay tài hoa của người lao động đã biết kết hợp với nguyên liệu khác như guột pha cói, guột pha tre, guột pha bèo, guột pha bẹ chuối, guột pha cỏ lăn... tạo ra 8 loại sản phẩm với hơn 2.000 mẫu mã bán khắp các tỉnh, thành trong nước và xuất ra nước ngoài. 

Về làng, trong thôn ngoài ngõ, đâu đâu người ta được thấy những vật liệu của cỏ tế bày la liệt khắp nơi. Bất kể người già hay trẻ nhỏ ở Lưu Thượng, ai ai cũng biết đến nghề đan cỏ tế. Người già nhất vẫn còn làm nghề ở Phú Túc hiện đã ngót nghét trăm tuổi, còn trẻ nhất là những em bé mới lên 6, lên 7. Hiện nay, các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong xã, theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình. 

Cơ bản, nghề đan cỏ tế giống như nghề đan lát mây, tre. Giống nhau ở cái gốc gác thiên nhiên, thân thiện với môi trường và đang là xu hướng tiêu dùng chung của khách hàng trên toàn thế giới, nhưng cỏ tế có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu tự nhiên rất đẹp). Để sản phẩm bền màu và tươi tắn hơn, người ta chỉ cần phun một nước dầu bóng mà không cần phải ngâm với bất kỳ loại hóa chất độc hại nào. Hơn nữa, nó mềm mại, dẻo dai, nên dễ cho việc tạo dáng và nhiều hình thù khác nhau, đặc biệt là có độ bền cao. Các loại cỏ tế nguyên liệu sau khi được mua về sẽ phải trải qua các công đoạn chọn nguyên liệu: tế có chất lượng là tế có màu sắc đẹp, có độ dẻo, dai phù hợp với các mặt hàng. Thông thường, tế cần phải được phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng, cả về độ bền và màu sắc. Với cỏ tế, kỵ nhất là gặp trời mưa, màu sẽ bị xỉn và độ dẻo, dai của nguyên liệu sẽ không đạt yêu cầu.  

Tùy từng loại hàng hóa và mục đích sử dụng mà cây cỏ tế được để nguyên hay chẻ ra làm 2, 3 hay 4 phần. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan, tạo hình cho các sản phẩm (các loại tế được đan phải có cùng màu sắc và độ dẻo, dai để tạo sự đồng đều). Thành phẩm được hun qua bằng diêm sinh, sau đó được nhúng qua dầu keo để tăng độ bền cho sản phẩm. Nhúng dầu keo xong, sản phẩm sẽ được phơi hoặc sấy khô rồi tiếp tục nhúng dầu lần 2, hoặc có thể lần 3 tùy yêu cầu với từng loại sản phẩm khác nhau. Cuối cùng, sản phẩm được để khô kiệt rồi mới đóng kiện và xuất khẩu. Các nguyên liệu như keo, dầu đều được mua trong nước, dầu thông thường được mua từ Quảng Ninh. Từ những sản phẩm đơn giản, từ những ngày sơ khai của làng nghề, đến nay, sau hơn 300 năm phát triển Phú Túc đã có trên 1.000 mẫu hàng hóa, chủ yếu từ cỏ tế và các nguyên liệu khác như bẹ ngô, bẹ chuối,  bèo...  Các  mặt hàng hiện nay chủ yếu được sản xuất theo các mẫu mã có sẵn. Để có chỗ đứng như hôm nay trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt của thị trường, một phần không nhỏ là nhờ vào tình yêu nghề của người dân Phú Túc, những thế hệ tiếp nối nghề truyền thống một cách dẻo dai, bền bỉ, tâm huyết. Nghề đan cỏ tế đã thực sự mang lại cho Phú Túc một diện mạo mới, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Về Phú Túc ngày nay, đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, các hộ dân đều có được cơ ngơi khang trang, tiện nghi. Cây cổ tế đưa bước các em học sinh đến trường, cây cỏ tế - với lịch sử hàng trăm năm thăng trầm cùng Phú Túc đang biến một làng quê nghèo thành một vùng có nền kinh tế hàng hóa phong phú, sầm uất, sôi động và giàu có, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thủ đô ngàn năm văn hiến [3]. 

Các sản phẩm của cây lục bình: Cây lục bình có thân dài và lá to. Nhân dân thường dùng cây lục bình để chế tạo các dụng cụ giống như mây, tre đan và lá dùng để lợp nhà. Loại cây này thường mọc nhiều ở các tỉnh phía Nam. Công nghệ chế tác hoàn toàn giống như mây, tre đan. Như vậy, nguyên liệu của chúng ta đều rất sẵn. Công nghệ dân gian đã có nhiều năm nay. Nếu nhà nước có chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho các sản phẩm tiếp cận thị trường và có chính sách về giá, về thuế hợp lý thì nhất định chúng ta sẽ hoàn toàn hạn chế được sản phẩm nhựa và nilon gây ô nhiễm môi trường. Đối với các sản phẩm như ống hút chúng ta có thể dùng các loại cây như sọt, trúc, sậy thay thế, chỉ cần các cơ quan nhà nước có chủ trương và phát động thành phong trào quần chúng. Với việc ra mắt “Đội hình tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, văn hóa, văn minh đô thị” trong Tháng thanh niên, Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến với cộng đồng. Theo Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng: “Trong Tháng thanh niên 2019, Thành đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong bảo vệ môi trường, văn hóa, văn minh đô thị. Đặc biệt, Thành đoàn chú trọng vào những hoạt động nhằm thay đổi nhận thức cũng như hành vi của người dân về việc sử dụng các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, giảm phát thải nhựa ra môi trường để bảo vệ đô thị và bờ biển Đà Nẵng”. Đây là một minh chứng hùng hồn cho thấy vai trò của phong trào quần chúng đối với bảo vệ môi trường. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư gửi các đơn vị: Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. HCM (Saigon Co.op); các siêu thị: Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội, biểu dương các doanh nghiệp này chủ động sử dụng lá chuối để gói hàng, dùng sản phẩm tự nhiên (giấy, lá chuối, các loại lá - PV)  để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon nhằm bảo vệ môi trường. Trong thư, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Vừa qua, một số doanh nghiệp như: Hệ thống chuỗi các siêu thị Co.op mart Việt Nam, siêu thị Big C Đà Nẵng, siêu thị Big C Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)... đã triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon. 

Đây là biện pháp thiết thực để hạn chế việc sử dụng và thải rác nilon ra môi trường, đang được thế giới khuyến khích nhân rộng để bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương các doanh nghiệp đã chủ động triển khai biện pháp thiết thực, cụ thể, giảm thiểu tác hại của túi nilon, góp phần tích cực nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon của các siêu thị và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng. "Nhân dịp này, tôi kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả" - Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công-Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp chủ động thực hiện các giải pháp, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm dần việc sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, phát triển bền vững. (Trang báo điện tử của báo Lao động). 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bảo Ngọc, Bạn bè quốc tế chung tay chống ô nhiễm chất thải nhựa, Tạp chí Môi trường đô thị, số 4/2018.
  2. Lê Lượng, Phải mất 5 thế kỷ một túi nilon mới phân hủy, Tạp chí Môi trường đô thị, số 4/2018.
  3. Sở Công-Thương Hà Nội, Nghề thủ công Hà Nội.
  4. PGS TS Nguyễn Đức Khiển, Bách khoa thư Hà Nội, phần mở rộng, tập 4 “Khoa học và Công nghệ”.