Chiến lược tăng trưởng xanh của ngành thép Việt Nam
TS NGHIÊM GIA 18/04/2019

Trong quá trình sản xuất gang và thép do phải sử dụng một khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản (quặng sắt, than, đá vôi, đôlômit...), sắt thép phế và hóa chất đã phát sinh chất thải (rắn, khí, bụi và nước thải) gây ô nhiễm môi trường.
TS NGHIÊM GIA
Hội KHKT Đúc Luyện kim Việt Nam
Email: nghiemgia53@gmail.com
Trong quá trình sản xuất gang và thép do phải sử dụng một khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản (quặng sắt, than, đá vôi, đôlômit...), sắt thép phế và hóa chất đã phát sinh chất thải (rắn, khí, bụi và nước thải) gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để bảo vệ môi trường hiệu quả cần phải xây dựng và triển khai “Chiến lược tăng trưởng xanh (TTX) của ngành thép Việt Nam” gắn với “Chiến lược TTX quốc gia”.
1. TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG DO HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CỦA NGÀNH THÉP VIỆT NAM
Cũng như các nước trên thế giới, sản xuất gang và thép ở Việt Nam là một ngành công nghiệp nặng ẩn chứa các yếu tố nặng nhọc và gây tác động ô nhiễm môi trường (do chất thải rắn, khí, bụi và nước thải) bởi các hoạt động sản xuất (HĐSX) chính sau đây [1, 2].
1.1. Tác động môi trường do hoạt động khoáng sản
Hoạt động khoáng sản (HĐKS) là khâu quan trọng và không thể thiếu trong HĐSX của các doanh nghiệp (DN) trong ngành thép Việt Nam. HĐKS đã gây ra những tác động đến môi trường (đất, nước, không khí), môi trường sinh thái, cảnh quan và kinh tế-xã hội với mức độ khác nhau và phụ thuộc vào các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT). Nguyên nhân gây tác động môi trường do HĐKS được đánh giá như sau:
- Do các mỏ tài nguyên khoáng sản (TNKS) thường phân bố ở các vùng rừng núi và nơi đầu nguồn nước nên khi khai thác, tuyển và chế biến dễ gây ô nhiễm đầu nguồn nước.
- Khi khai thác TNKS phải bóc khối lượng lớn đất đá và khi tuyển đã thải ra khối lượng lớn cát và bùn. Lượng lớn chất thải rắn này đã chiếm nhiều diện tích đất lâu dài và phá huỷ lớp đất phủ (thổ nhưỡng). Mặt khác khi tuyển TNKS cần khối lượng nước rất lớn nên đã làm suy thoái và cạn kiệt nguồn nước.
- Nạn khai thác TNKS tự do (không theo quy hoạch và không có đầy đủ thiết kế kỹ thuật) đã có những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội nơi vùng mỏ.
Bảng 1. Tác động tới môi trường do HĐKS của ngành thép Việt Nam
Tác động tới | Những tác động tới môi trường do HĐKS | |
1 | Môi trường đất | - Chiếm dụng nhiều diện tích đất do quá trình khai thác và đổ thải.- Làm xáo trộn, thay đổi cấu trúc và thành phần đất đá và địa hình tự nhiên do quá trình khai thác TNKS, vận chuyển đất đá thải, TNKS ra khỏi khu vực mỏ.- Do đổ thải bừa bãi, thiếu quy hoạch đã gây sạt lở và xói mòn địa hình. |
2 | Môi trường nước | - Làm thay đổi diện tích chứa, điều kiện tích trữ và thoát nước, thay đổi cân bằng nước trong khu vực do quá trình khai thác và tuyển.- Thay đổi thành phần, tính chất hoá - lý và vi sinh nguồn nước.- Thay đổi chế độ thuỷ văn và các yếu tố động lực dòng chảy. |
3 | Môi trường không khí | - Làm ô nhiễm không khí do các thiết bị khai thác và tuyển TNKS xả khí thải và gây bụi trong quá trình khai thác và vận chuyển. |
4 | Môi trườngsinh thái và cảnh quan | - Thay đổi địa hình, địa mạo của mặt đất. Triệt phá lớp phủ thực vật, huỷ hoại hoặc làm thay đổi cảnh quan khu vực.- Thay đổi điều kiện sinh sống và cư trú của động, thực vật và con người. |
5 | Môi trường Kinh tế- Xã hội | - Tác động tích cực: Tăng nguồn thu NSNN và cho doanh nghiệp, tạo việc làm, cải thiện mức sống, nâng cao dân trí. - Tác động tiêu cực: Tạo ra lượng lao động dư thừa khi mỏ ngừng hoạt động; Gây khó khăn trong quản lý KT-XH khi có biến động thị trường TNKS; Gia tăng các tệ nạn xã hội và bệnh tật (tại khu khai thác trái phép), gia tăng và tiềm ẩn tai nạn lao đông. |
- Một số nguyên nhân khác: i) Nhận thức về BVMT của các doanh nghiệp chưa cao; ii) Trình độ công nghệ khai thác, tuyển và chế biến TNKS chưa tiến tiến; iii) Thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu. Quản lý nhà nước về HĐKS và BVMT còn một số vấn đề chưa phù hợp với thực tế của các mỏ.
Kết quả điều tra và nghiên cứu HĐKS ở các DN đã đưa ra được những tác động chính ảnh hưởng tới môi trường nêu trong bảng 1, mức độ tác động tuỳ thuộc vào điều kiện địa chất, loại TNKS và công nghệ khai thác chúng.
1.2. Tác động môi trường do quá trình luyện và cán thép
Quá trình luyện và cán thép sử dụng TNKS, nguyên và nhiên liệu để tạo ra sản phẩm (gang, phôi thép và các sản phẩm thép cán) nên đã phát sinh 3 dạng chất thải (rắn, khí bụi và nước thải) với mức độ ô nhiễm khác nhau tùy thuộc vào công nghệ luyện cán thép. Kết quả phân tích nguồn gốc, tác nhân gây ô nhiễm và mức độ ảnh hưởng tới môi trường do HĐSX của ngành Thép Việt Nam được nêu trong bảng 2 và bảng 3 như sau[1]:
Bảng 3. Mức độ gây ô nhiễm môi trường do HĐSX của ngành Thép Việt Nam
Công đoạn sản xuất | Mức độ gây ô nhiễm môi trường | ||||||
Từ nguyên liệu vào | Từ sản phẩm | Do tiếng ồn | Từ loại chất thải | ||||
Bụi | Khí | Lỏng | Rắn | ||||
A | + | + | + | + | + | 0 | + |
B | + | + | + | © | © | + | + |
C | O | + | + | + | © | + | + |
D | + | + | + | + | + | + | + |
E | O | + | + | + | + | + | + |
F | O | + | © | O | + | + | O |
G | + | + | + | © | © | © | + |
H | + | + | 0 | © | + | + | + |
K | + | O | + | + | © | © | + |
L | + | + | + | + | + | 0 | + |
Ghi chú ký hiệu trong bảng 3 như sau: (0) Không có khả năng gây ô nhiễm; (+) Có khả năng gây ô nhiễm; (©) Nhiều khả năng gây sự cố.
- Chất thải rắn phát sinh ở tất cả các công đoạn và loại hình sản xuất nhưng do mức độ gây ô nhiểm không cao nên chúng sẽ được thu gom và tái chế.
- Nước thải phát sinh trong quá trình luyện-cán thép sẽ gây tác động đến môi trường nước do các nguyên nhân sau: i) Nước dùng để làm mát thiết bị và sản phẩm tại công đoạn sản xuất gang lò cao, cán thép và sản xuất tôn mạ màu khi thải chúng sẽ gây ô nhiễm môi trường nước do một số khoáng chất dư thừa, dầu, mỡ bôi trơn, các cặn bụi, ô xít sắt và các kim loại nặng khác. Nước thải trong quá trình pha chế các loại hoá chất tẩy, rửa kim loại, pha sơn mạ màu... có chứa lượng hoá chất dư thừa, khả năng gây ô nhiễm ở công đoạn này có nguy cơ cao hơn các công đoạn khác; ii) Dầu mỡ lẫn trong nước thải, kim loại nặng dư thừa lẫn vào nước gây tác động xấu tới sức khoẻ con người; iii) Trong nước thải có cặn lơ lửng, nếu lượng cặn này tích tụ lớn sẽ gây tắc cống rãnh, cản trở dòng chảy và ảnh hưởng xấu tới môi trường đất và nước. Vì thế tất cả các DN bắt buộc phải xử lý nước thải trước khi thải nước ra môi trường;
- Khí bụi thải phát sinh trong quá trình luyện- cán thép là tác gây ô nhiễm môi trường không khí. Quá trình phát sinh khí bụi thải diễn ra như sau:
+) Quá trình hóa lý xảy ra trong lò luyện gang, luyện thép hết sức đa dạng, phức tạp và đã phát sinh các khí thải (CO2 là nhiều nhất) do: i) Sự đốt cháy nhiên liệu (cácbon - C; ôxít cácbon - CO; hyđrô - H2; khí metan - CH4 và các cacbua hyđrô khác) để nung chảy nguyên liệu (quặng sắt, sắt thép phế...) trong lò; ii) Sự hoàn nguyên trước, hoàn nguyên trực tiếp và hoàn nguyên nóng chảy quặng sắt trong lò cao; iii) Quá trình ôxy hóa cacbon, ôxy hóa silic và ôxy hóa phốtpho (để khử tạp chất lưu huỳnh và phốt pho) trong lò luyện thép.
+) Công nghệ luyện gang lò cao (hình 1) đã tiêu thụ và sử dụng một lượng than khá lớn (than cốc và than cám antraxit) nên đã phát ra lượng khí thải (CO2) lớn hơn so với công đoạn luyện thép và cán thép.
+) Luyện thép bằng lò điện hồ quang (EAF) có sử dụng một lượng than antraxit (để tạo xỉ bọt, tăng cácbon trong thép) đã phát khí thải với mức 0,5÷1 tấn/tấn thép lỏng. Luyện thép bằng Lò chuyển từ gang lỏng (hot metal) và thép phế (scrap) đã phát thải CO2 ra môi trường.
+) Công đoạn cán thép tạo khí bụi chủ yếu phát sinh do đốt lò bằng dầu (FO/DO), khí than hoặc khí thiên nhiên (NG) đã phát thải khía nhà kính (KNK) gây ô nhiễm môi trường. Vì thế tất cả các DN bắt buộc phải lắp đặt hệ thống xử lý và lọc khí bụi trước khi thải ra môi trường.
2. CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH CỦA NGÀNH THÉP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2018-2030
2.1. Mục tiêu chiến lược tăng trường xanh của ngành thép Việt Nam
Trong xu thế hội nhập quốc tế, với kết quả đạt được của Thỏa thuận Pari tại COP21 (tháng 12/2015) Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng và thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trường xanh của Việt Nam” (gọi tắt là Chiến lược TTX) với các mục tiêu cụ thế: i) Tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giải quyết xuống cấp môi trường; ii) Đánh giá và thúc đẩy phát triển công nghệ cao để tăng hiệu quả sử dụng TNKS, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và ứng phó với BĐKH; iii) Nâng cao chất lượng sống, xây dựng lối sống thân thiện môi trường thông qua việc làm xanh, đời sống bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và phục hồi vốn tự nhiên [3].
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về BVMT trong hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp nói chung và ngành thép nói riêng, chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và ngành thép Việt Nam xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược BVMT phù hợp với mục tiêu của “Chiến lược TTX”. Vì thế, việc triển khai “Chiến lược BVMT ngành công nghiệp Việt Nam” trong đó có “Chiến lược TTX của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2030” (gọi tắt là “Chiến lược TTX ngành thép") là một yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu “Chiến lược TTX ngành thép" cần hướng tới là “Tăng trưởng sản xuất và phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả HĐXS của từng DN sản xuất thép. Đổi mới công nghệ và thiết bị, giảm thiểu phát thải KNK, sản xuất thân thiện với môi trường”.
2.2. Quản lý chất thải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong “Chiến lược TTX ngành thép”
Qua phân tích tác động môi trường do HĐSX của ngành thép Việt Nam (từ HĐKS, luyện gang, luyện thép cho đến khâu cán và gia công sản phẩm thép) đã xác định khá đầy đủ và chính xác những tác nhân gây ô nhiễm. Từ kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, để BVMT một cách hiệu quả và bền vững, cần thực hiện tốt việc “Quản lý chất thải” và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong “Chiến lược TTX ngành thép". Nội dung “Quản lý chất thải” bao gồm: Xem xét nguồn gốc phát thải, phân loại và đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với môi trường. Kiểm soát, ngăn ngừa và làm giảm các chất gây ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất. Công nghệ xử lý chất thải. Quan trắc và phòng ngừa sự cố môi trường do chất thải gây ra [1]. Mô hình “Quản lý chất thải” trong HĐSX của ngành thép Việt Nam nêu trong hình 2.

- Kiểm soát, ngăn ngừa và tối thiểu hóa chất thải sẽ mang lại các lợi ích sau: Giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận cho DN do việc giảm chi phí lắp đặt thiết bị thu khí bụi thải và giảm chi phí thu gom chất thải rắn... nâng cao sức khỏe và an toàn cho người lao động. Để thực hiện tốt việc “ngăn ngừa và tối thiểu hóa chất thải” có thể thực hiện một số giải pháp sau: kiểm soát nguồn và tác nhân phát thải, chuẩn bị các nguyên vật liệu đầu vào có chất lượng tốt, đổi mới công nghệ và thiết bị về BVMT.
- Tái sử dụng và chế biến: Việc loại bỏ hoàn toàn các chất thải rất khó thực hiện. Vì thế, để xử lý chất thải nên theo xu hướng “tái chế biến” chất thải ngay bên trong hay ngoài nhà máy. Việc “tái chế” chất thải sẽ làm hạn chế và giảm thiểu lượng chất phát thải ra môi trường. Kết quả “tái chế” chất thải phụ thuộc vào các yếu tố: Khả năng sử dụng lại nguyên, nhiên và vật liệu thu được từ chất thải; Khả năng tách những nguyên liệu có giá trị và thu hồi được từ chất thải; sản phẩm thu được sau khi thực hiện công nghệ xử lý chất thải.
- Xử lý hay vứt bỏ chất thải là một trong những hoạt động được tiến hành sau khi phân loại chất thải phát sinh trong HĐSX. Hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam đã áp dụng một số công nghệ xử lý tùy thuộc vào loại chất thải như sau: lọc và hút khí bụi thải (thường dùng trong sản xuất thép lò điện, nhà máy nhiệt điện, xi măng), xử lý đốt bằng nhiệt, xử lý hóa học hay sinh học; làm đông đặc thành khối các chất thải, sau đó sử dụng để tái chế, hay để chôn lấp, vứt bỏ... tùy thuộc vào thành phần chất thải sau phân loại. Việc “vứt bỏ chất thải” bằng “chôn lấp” là giải pháp cuối cùng và chỉ được sử dụng khi phương pháp “tái chế biến” không khả thi về kỹ thuật và kinh tế. Việc “chôn lấp” phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định luật pháp về việc quản lý chôn lấp và hủy bỏ chất thải.
2.3. Giảm phát thải khí nhà kính là mục tiêu quan trọng của “Chiến lược TTX ngành thép”
Các nghiên cứu khoa học về khí hậu và hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu (GCOS) đã chỉ ra rằng, do hoạt động của các ngành công nghiệp con người đã phát thải ra các loại khí thải nhà kính CO2, CH4, N2O, PFCs, SF6. Các khí nhà kính này gây nên hiệu ứng nhà kính với tỷ lệ như sau: diox- it carbon (CO2) tới 50 %; mê tan (CH4): 16 %; nitơ oxit (N2O): 6 %; O3: 8 %; các khí CFC: 20 %. KNK là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu (BĐKH) trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam. Để hạn chế phát sinh khí thải nhà kính, trong những năm gần đây cùng với các ngành công nghiệp khác, ngành thép Việt Nam đã thực hiện thí điểm Chương trình “Kiểm toán năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả” tại một số DN sản xuất gang-thép (Công ty CP gang-thép Thái Nguyên, Công ty CP thép Đà Nẵng...) và Chương trình hành động “Công nghiệp thép và cuộc sống xanh”. Để đạt được mục tiêu “Chiến lược TTX ngành thép" nêu trên, cần thực hiện các giải pháp giảm thiểu khí bụi thải do HĐSX của ngành thép Việt Nam như sau [1]:
- Thứ nhât, nâng cao nhận thức và nguồn lực cho BVMT: DN cần hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm về BVMT, thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật về BVMT đã ban hành. Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm BVMT trong các DN ngành thép. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường nguồn tài chính cho BVMT. Tuyên truyền cho các DN hiểu và chung tay hoàn thành các mục tiêu của “Chiến lược quốc gia về TTX của Việt Nam” mà Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo thực hiện.
- Thứ hai, đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ nhằm BVMT hiệu quả hơn. Lấy việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải phát sinh gây tác động tiêu cực đến môi trường bằng việc sử dụng công nghệ ít tiêu tốn nhiên liệu và năng lượng, phát thải khí thấp, tuổi thọ thiết bị cao, chu kỳ tạo sản phẩm ngắn và thân thiện với môi trường. Chú trọng áp dụng công nghệ "Sản xuất sạch hơn" tại các DN trọng điểm. Không khuyến khích đầu tư dự án luyện than cốc tại Việt Nam và cần thay đổi công nghệ sản xuất than cốc theo phương pháp dập khô thay cho dập ướt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các nhà máy luyện cốc hiện nay ở Việt Nam.
- Thứ ba, giảm tiêu hao, sử dụng nhiên liệu sạch và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào trong sản suất gang thép. Những năm qua với sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức quốc tế ngành thép Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp giảm tiêu hao nhiên liệu đạt tới mức tiên tiến của các nước trong khu vực. Mức tiêu hao cụ thể đặt ra như sau: Đối với luyện gang, mức tiêu hao than cốc từ là (400÷450) kg cốc/tấn gang; đối với cán thép giảm tiêu hao dầu dưới 20 lít/tấn sản phẩm. Việc sử dụng nhiên liệu sạch sẽ làm giảm phát thải KNK. Vì thế sau năm 2020 các DN thép sẽ thay đổi nhiên liệu (từ dùng than sang dùng khí) và tăng cường sử dụng năng lượng có hiệu quả. Do chất lượng tài nguyên khoáng sản khai thác khác nhau và chứa một số tạp chất gây hại cho công nghệ luyện gang thép nên việc xử lý nguyên liệu đầu vào cho các công đoạn luyện gang và luyện thép hết sức quan trọng. Khi nguyên liệu đầu vào sạch thì quá trình nấu luyện sẽ thuận tiện, giảm tiêu hao năng lượng và giảm lượng phát thải KNK. Nguyên liệu đầu vào cho luyện gang (quặng sắt, than cốc, than cám antraxit để phun thổi vào lò cao và các nguyên liệu khác) cần phải được xử lý đảm bảo chất lượng trước khi nạp vào lò cao. Khi tăng hàm lượng Fe trong quặng sắt lên 1 % thì giảm mức tiêu thụ than cốc được 2 % và tăng sản lượng gang lên 3 %. Giải pháp này đã làm giảm giá thành sản xuất gang và gián tiếp giảm phát thải KNK (khí CO2) do giảm mức tiêu thu than cốc (giảm 2 %). Xử lý phôi thép và bề mặt cuộn thép cán nóng (HRC) cho công đoạn cán nguội nhằm mục đích nâng cao công suất và hiệu suất sử dụng thiết bị, giảm tiêu hao nhiên liệu và năng lượng (tiêu hao dầu và điện) trên một đơn vị sản phẩm. Kết quả giải pháp trực tiếp là giảm giá thành và gián tiếp đã giảm thiểu phát thải KNK.
- Thứ tư, tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong HĐSX của ngành thép Việt Nam: Đây là mục tiêu quan trọng của hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông-lâm nghiệp và dịch vụ kinh tế... của mỗi quốc gia, nó không những mang ý nghĩa kinh tế mà còn BVMT và ứng phó với những thách thức về BĐKH toàn cầu. Giải pháp TKNL trong HĐSX của ngành thép Việt Nam đã và sẽ được áp dụng như sau: Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng (nhiệt năng, điện năng và khí...), giảm thiểu các tổn thất, lãng phí năng lượng trong mọi hoạt động của DN. Cải tiến bổ sung các thiết bị phụ trợ, nguyên nhiên liệu phụ trợ nhằm tăng cường thúc đẩy nhanh quá trình nấu luyện, rút ngắn thời gian tạo sản phẩm bằng biện pháp cụ thể như: bổ sung mỏ đốt cho lò điện EAF; sử dụng loại mỏ đốt tái sinh cho lò nung phôi kết hợp với hệ thống buồng tích nhiệt; tăng cường phun than cám antraxit kết hợp tăng ôxy để giảm tiêu hao than cốc vào lò cao...
- Thứ năm, sử dụng nhiệt dư và khí thải: Trong khí thải lò luyện cốc, luyện gang, luyện thép (bằng lò chuyển) chứa lượng các chất CO, H2, CnHm... Có thể tận dụng nhiệt dư từ khí thải để sấy thép phế nhằm rút ngắn thời gian luyện thép trong lò điện. Việc tận dụng nhiệt dư đã được áp dụng tại một số DN trong ngành thép Việt Nam (tại lò CONSTEEL của Công ty Thép Việt, tại lò DANARC PLUS của Công ty Thép Miền Nam...). Ngoài ra, có thể sử dụng khí thải làm nhiên liệu (nung, đốt) cho một số công đoạn sản xuất nội bộ nhà máy (đốt lò nung, lò hơi) hoặc cấp cho các hộ bên ngoài có nhu cầu sử dụng (sản xuất điện bằng tuabin...).
- Thứ sáu, xử lý khối lượng bụi, xỉ gang và xỉ thép: Việc xử lý khối lượng bụi, xỉ gang, xỉ thép và xỉ tro từ các nhà máy nhiệt điện thải ra tồn đọng khá nhiều tại các DN trên cả nước đang đặt ra thách thức lớn cho các ngành công nghiệp nói chung và ngành thép Việt Nam. Hiệu quả khi sử dụng xỉ gang và xỉ thép như sau: i) Trong sản xuất xi măng, việc sử dụng xỉ gang lò cao đã làm tăng tính chất cơ học và tính năng vật liệu xây dựng (tăng cường độ chịu lực, chống ăn mòn hóa học cho vữa bê tông...), góp phần giảm phát thải CO2, tiết kiệm năng lượng và TNKS; ii) Trong sản xuất phân bón, sử dụng xỉ gang lò cao đã cung cấp SiO2 cho cây lúa (giúp cho cây quang hợp tốt hơn, hạn chế cây đổ, nổ hạt, nâng cao năng suất...); Việc ứng dụng xỉ thép (của lò BOF) nhằm cung cấp Ca, Fe, P cho đất (cải thiện tính axít cho đất, tạo cân bằng và tăng thêm chất hữu cơ cho đất...). Trong lĩnh vực khác, xỉ thép sử dụng cho xây dựng các công trình trên biển đã tiết kiệm được lượng cát biển và giúp cải tạo rặng san hô và tảo biển (nhờ tác dụng của CaO và Fe trong xỉ) [4]...
- Thứ bảy, trồng cây xanh và thảm cỏ trong khuôn viên các nhà máy: Việc nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, trong đó có việc “lựa chọn địa điểm và kết cấu nhà xưởng” các dự án của ngành thép Việt Nam phải phù hợp với BĐKH, nước biển dâng và bão, lụt... Ngoài việc lựa chọn địa điểm hợp lý và kết cấu nhà xưởng phù hợp, phải tính đến diện tích bố trí khu trồng cây xanh và thảm có (tối thiểu bằng 15 % tổng diện tích đất dự án) để tạo môi trường xanh và hấp thụ khí CO2 tại khu vực nhà máy. Đồng thời, áp dụng và triển khai mô hình hoạt động “Nhà máy - Công viên - Bữa ăn tự chọn” do Công đoàn ngành thép Việt Nam phát động. Với kết quả đạt được, ngành thép Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này trên pham vi và quy mô toàn ngành trước năm 2020.
3. KẾT LUẬN
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các DN của ngành công nghiệp nói chung và ngành thép Việt Nam nói riêng phải có tư duy mới và hành động tích cực để tìm hướng đi thích hợp cho DN nhằm đảm bảo hài hoà quá trình tăng trưởng và BVMT một cách bền vững. Việc xây dựng và triển khai “Chiến lược TTX ngành thép” gắn với mục tiêu của “Chiến lược TTX của Việt Nam”, để cho “Công nghiệp thép và cuộc sống xanh” trở thành hiện thực. Muốn vậy, trước tiên phải chú trọng đến việc nâng cao nhận thức về BVMT, đào tạo nguồn nhân lực (có kỹ năng chuyên môn sâu), lựa chọn công nghệ sản xuất gang-thép hiệu quả thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng trong HĐXS.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- TS Nghiêm Gia, ThS Nguyễn Đức Vinh Nam v.v.; Đánh giá tác động và đề xuất giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của ngành thép Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ, Hà Nội, năm 2010-2011
- TS Nghiêm Gia v.v.; Bảo vệ môi trường là yêu cầu tất yếu của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2016-2030, Tạp chí Môi trường, tháng 12/2016
- Hội thảo cao cấp: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam... Bộ KH&ĐT và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Hà Nội, tháng 10/2016.
- TS., Nguyễn Văn Sưa; Xỉ gang và xỉ thép- nguồn tài nguyên cần được tái chế và sử dụng, Hiệp hội Thép ViệtNam (VSA), 3/2017