Cần bảo vệ khẩn cấp nguồn nước ngọt
PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 13/10/2019
Nước cần cho nhu cầu sống của mọi cơ thể và chiếm tới 80 - 90 % khối lượng cơ thể sống. Nước là môi trường sống của sinh vật ở nước. Nước đáp ứng các yêu cầu đa dạng của con người: tưới tiêu cho nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tạo ra điện năng và tô thêm vẻ đẹp cho cảnh quan...
Need to urgently protect fresh water source
PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN
Nguyên Giám đốc Sở KH CN MT Hà Nội
1. VAI TRÒ CỦA NƯỚC
Trong 9 hành tinh lớn của hệ Mặt Trời, duy nhất chỉ có nước trên Trái Đất tồn tại dưới ba trạng thái: thể rắn, thể lỏng và thể khí. Điều đó khiến cho Trái Đất có sự sống và có loài người. Trái Đất còn có tên là “Quả cầu nước” vì trên bề mặt của nó 71 % diện tích được nước bao phủ. Nhưng trong đó nước biển và nước mặn đã chiếm 97,5 %. Nếu không kể các núi băng ở Bắc Cực và Nam Cực thì chúng ta chỉ còn tổng lượng nước ngọt là 0,26 % trên toàn cầu. Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một báo cáo chỉ rõ tổng lượng nước tiêu hao toàn thế giới ở thế kỷ XX đã tăng lên 6 lần. Hiệu suất tiêu hao nước ngọt trên thế giới đã tăng lên 2,5 %, cao gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng dân số. Đến năm 2025, lượng nước cung cấp bình quân cho đầu người mỗi năm sẽ giảm đi 1/3. Nước thông qua chu trình vận động của mình đã tham gia vào thành phần cấu trúc của sinh quyển, đồng thời điều hoà mọi yếu tố của khí hậu, đất đai và sinh vật. Nước cần cho nhu cầu sống của mọi cơ thể và chiếm tới 80 - 90 % khối lượng cơ thể sống. Nước là môi trường sống của sinh vật ở nước. Nước đáp ứng các yêu cầu đa dạng của con người: tưới tiêu cho nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tạo ra điện năng và tô thêm vẻ đẹp cho cảnh quan... [1].
Nước là một thành phần trong cấu thành sản phẩm
Trong sản xuất thực phẩm và nước giải khát, đòi hỏi về chất lượng là nước phải hợp vệ sinh và mùi vị phải tinh khiết. Mỗi một sản phẩm có một yêu cầu riêng về chất lượng nước (ví dụ như màu sắc, mỹ phẩm...), độ ẩm trong các loại sản phẩm cũng khác nhau.
Nhu cầu về sử dụng nước của cán bộ công nhân viên
Nhu cầu về nước có chất lượng cho cán bộ công nhân viên gồm có nước cho nhà bếp, nước pha cà phê, kể cả tắm rửa và nước có chất lượng thấp hơn cho việc sử dụng trong nhà vệ sinh, cho việc lau chùi quét dọn nhà cửa. Song vì lý do kinh tế cho nên không thể tách riêng một hệ thống dẫn nước cho từng nhu cầu kể trên.
Nước là phương tiện sản xuất
Phần lớn nước được sử dụng ở đây không đòi hỏi phải có chất lượng cao, nhất là để phục vụ cho các công việc như chuyển tải nhiệt năng hay tích tụ nhiệt năng (sưởi ấm, làm mát). Song, nhìn chung thì các trang thiết bị kỹ thuật thông thường rất nhạy cảm đối với sự nhiễm bẩn của nước hay nhạy cảm đối với một đặc tính hoá học của nước.
Nước là vật liệu hỗ trợ
Nước được sử dụng trong các quá trình tẩy rửa, trong phòng thí nghiệm, dùng để chữa cháy và dùng để tưới cây. Do việc nước được dùng cho nhiều chức năng đồng thời trong cùng một lúc và gần như cùng tại một nơi và do giá nước khá thấp và nó được cung cấp một cách thống nhất, về mặt kinh tế vẫn rẻ hơn là lắp đặt các hệ thống cung cấp nước theo các chỉ tiêu chất lượng khác nhau.
II. TÀI NGUYÊN NƯỚC
Tài nguyên nước bao gồm nước trong khí quyển, nước mặt, nước dưới đất, nước biển và đại dương. Tổng lượng nước trên hành tinh khoảng 1,4 tỷ km3. Trong đó 97,5 % là nước mặt và 2,5 % là nước ngọt. Nước rất quan trọng cho đời sống con người và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (bảng 1) Bảng 1. Tỷ lệ nước sử dụng cho các mục đích khác nhau so với nguồn nước tự nhiên [1]
Châu lục và Việt Nam | Tỷ lệ sử dụng nguồn nước ngọt (%) | Tỷ lệ ( %) | ||
Ăn uống, sinh hoạt | Công nghiệp | Nông nghiệp | ||
Châu Âu | 7 | 14 | 55 | 31 |
Châu Á | 12 | 6 | 9 | 85 |
Châu Mỹ | 9 | 9 | 42 | 49 |
Việt Nam | 9,6 | 3,7 | 20,4 | 75,9 |
Bình quân toàn thế giới | 8 | 23 | 69 |
1. Đặc điểm tài nguyên nước Việt Nam [3]
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước vào loại trung bình trên thế giới, nhưng lại có nhiều yếu tố không bền vững, đó là [1]:
- Nước ta có khoảng 830 tỷ m3 nước mặt, trong đó chỉ có 310 tỷ m3 được tạo ra do mưa rơi trong lãnh thổ, chiếm 37 %; còn lại 63 % do lượng mưa ngoài lãnh thổ chảy vào. Tổng trữ lượng tiềm tàng nước dưới đất có khả năng khai thác, chưa kể phần hải đảo ước tính 60 tỷ m3/năm. Nếu kể cả nước mặt và nước dưới đất trên phạm vi lãnh thổ thì bình quân đầu người đạt 4.400 m3/người/năm, so với thế giới là 7.400 m3/người/năm. Theo tiêu chí đánh giá của Hội tài nguyên nước quốc tế (IWRA) thì quốc gia nào dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nước ta là một trong những nước có lượng nước bình quân trên đầu người vào loại trung bình khá so với nhiều nước trên thế giới, nhưng nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả thì sẽ thiếu nước trong một tương lai rất gần.
- Lượng nước sản sinh từ ngoài lãnh thổ chiếm gần 2/3 tổng lượng nước có được, rất khó chủ động, thậm chí không sử dụng được. Sự phân bố của cả nước mặt lẫn nước dưới đất không đều. Theo không gian, nơi có lượng mưa nhiều nhất là Bạch Mã 8.000 mm/năm; Bắc Quang, Bà Nà khoảng 5.000 mm/năm, trong khi cửa Phan Rí chỉ đạt xấp xỉ 400 mm/năm. Theo thời gian, mùa lũ chỉ kéo dài từ 3-5 tháng, nhưng chiếm tới 70 ÷ 80 % lượng nước cả năm. Mùa lũ, lượng mưa lớn nhất đạt trên 1.500 mm/ngày, song mùa cạn nhiều tháng lại không có mưa.
- Sự không thuận lợi của tài nguyên nước trong sử dụng và khai thác. Nước ta có khoảng 2.360 con sông có chiều dài hơn 10 km. Trong số 13 lưu vực chính và nhánh có diện tích lớn hơn 10.000 km2 thì có đến 10/13 sông có quan hệ với nước láng giềng, trong đó có 3/13 sông thượng nguồn ở Việt Nam, hạ nguồn chảy sang nước láng giềng; 7 sông thượng nguồn ở nước láng giềng, hạ nguồn ở Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam không những bị ràng buộc nguồn lợi về nước của quốc gia thứ hai, thứ ba chia sẻ, mà thường bị động.
2. Yêu cầu về nước sạch
Nước sạch cho mọi người [2]
Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững thì mục tiêu số 6 (SDG6) là nước sạch và vệ sinh. Điều này có nghĩa là không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình toàn thế giới hướng đến các mục tiêu cụ thể về nước. Nhưng thực tế hiện nay, vẫn còn hàng tỷ người chưa được tiếp cận với nguồn nước sử dụng an toàn, trong đó có các hộ gia đình, trường học, nơi làm việc, trang trại và nhà máy đang vật lộn để tồn tại và phát triển. Việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo dễ bị thổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người bản địa, thiểu số, người khuyết tật và nhiều người khác... Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2019 hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao rất nhiều người bị bỏ lại phía sau. Cùng với việc tiếp cận về điều kiện vệ sinh, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng và điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn. Các mục tiêu cụ thể của chủ đề ngày Nước thế giới 2019, bao gồm: nước cho phụ nữ, nước cho nơi làm việc, sản xuất, nước cho nông thôn, nước cho người tị nạn, nước cho các bà mẹ, nước cho trẻ em, nước cho học sinh, sinh viên, nước cho những người bản địa, thiểu số, nước cho người khuyết tật, nước cho cộng đồng của những người đồng tính...
Việt Nam thực hiện SDG6 [2]
Triển khai việc rà soát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhiều con số cho thấy các nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề nước. Tính đến tháng 6/2017, tỷ lệ dân cư đô thị cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt khoảng 84,5 % (tăng 1 % so với cuối năm 2016); tỷ lệ thất thoát khoảng 23 % (giảm 0,5 % so với cuối năm 2016). Trong vòng 7 năm (2010 - 2016), tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở cả nước tăng 2,9 %, từ 90,5 % lên 93,4 %, trung bình mỗi năm tăng được 0,41 % và theo tốc độ này thì ước tính phải đến năm 2032 mới đạt được mục tiêu 100 % số hộ có nguồn nước hợp vệ sinh. Cấp nước sạch nông thôn trong nhiều năm qua đã được ưu tiên đầu tư, thông qua nhiều chương trình, dự án từ nhiều nguồn kinh phí. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 43,5 %. Năm 2016, 64,2 % khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định về xử lý chất thải rắn và nước thải, 54 % bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Đến năm 2017, có 41 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoản 950.000 m3/ngày đêm; tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 12 % và có khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải đang trong quá trình thiết kế, thi công với tổng công suất thiết kế khoảng 2,2 triệu m3/ngày đêm. Trong tổng số 781 đô thị thì chỉ có 44 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định (đạt 5,63 % năm 2016).
Như vậy có thể thấy mục tiêu đặt ra cho đến năm 2030 là khá tham vọng, đầy thách thức và nguy cơ khó đạt được mục tiêu là rất cao. Để đảm bảo việc sử dụng nước được hiệu quả, bền vững, thời gian qua, công tác điều tra tài nguyên mặt nước, nước ngầm được chú trọng và tăng cường. Chính phủ đã tập trung tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, công tác quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2020 - 2035 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang được xây dựng và hoàn thiện. Việt Nam đã chuyển hướng tiếp cận từ quản lý đơn ngành sang quản lý tổng hợp tài nguyên nước với việc đề xuất thành lập 4 Ủy ban lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đồng Nai) và triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác với các quốc gia thành viên thuộc Ủy hội sông Mê Kông quốc tế. Tám vùng đất ngập nước đã được công nhận là các khu Ramsar; 45 vùng đất ngập nước được quy hoạch thiết lập khu bảo tồn vùng nước nội địa, 47 vùng đất ngập nước được quy hoạch thành khu bảo tồn đất ngập nước, 9 vùng đất ngập nước quan trọng của Việt Nam đã được UNESCO trao danh hiệu là các Khu Dự trữ sinh quyển.
III. PHẢI BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC NGỌT
Nước đã tạo nên nền văn minh của nhân loại. Lịch sử văn minh của một bộ phận nhân loại chính là lịch sử con người đi theo quỹ đạo dòng nước - từ rừng núi ra sông, ra duyên hải và cuối cùng ra đại dương. Hiện nay, toàn thế giới có hơn 100 quốc gia (trong đó bao gồm cả Trung Quốc) thiếu nước, có 26 quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, có 40 % dân số bị khổ vì thiếu nước.
Hàng năm có 25 triệu người vì nước bị ô nhiễm mà chết, có 1 tỉ người không được dùng nước sạch. Vì sao đưa đến cảnh báo nguy cơ nguồn nước có tính toàn cầu? Chủ yếu có ba nguyên nhân. Thứ nhất là lượng nước dùng cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt tăng nhanh. Lượng nước ngọt dùng cho nông nghiệp và công nghiệp trên toàn cầu chiếm 70 % và 22 % tổng lượng nước tiêu thụ, hơn nữa nhu cầu vẫn đang tăng lên. Sự tăng trưởng nhanh dân số thế giới và sự phát triển của đô thị cũng khiến cho lượng nước sinh hoạt tăng nhanh.
Nguyên nhân thứ hai của lời cảnh báo nguy cơ thiếu nước có tính toàn cầu là nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải công nghiệp và đô thị trên thế giới hàng năm đã đạt đến mức hơn 500 tỉ m3, năm 2000 đạt mức 3000 tỉ m3. Một nửa nguồn nước ngầm trên thế giới đang bị ô nhiễm. Nguyên nhân thứ ba của lời cảnh báo nguy cơ thiếu nước có tính toàn cầu là nạn chặt phá rừng gây nên lượng mưa ít, nước ngầm không được bổ sung. Toàn thế giới hàng năm khai thác khoảng 550 tỉ m3 nước ngầm, rất nhiều vùng tình trạng khai thác nước ngầm không còn khống chế được [1]. Cuộc sống, nghiên cứu khoa học và sản xuất công, nông nghiệp của con người đều cần đến nước, do đó từng khâu một đều phải thực hiện tiết kiệm nước. Nước dùng trong nông nghiệp nhiều nhất, chiếm trên 70 % lượng nước dùng cho sản xuất và đời sống. Phương thức tưới nông nghiệp truyền thống là dẫn một lượng nước vào ruộng. Phương thức tưới này để cho nước tùy tiện chảy khắp nơi, kết quả không những hơn một nửa số nước chảy mất mà còn có thể gây nên muối hoặc kiềm hóa đất đai.
Ngày nay, dân căn cứ đặc điểm này có thể thực hiện “phân cấp cung cấp nước” để đạt được mục đích tiết kiệm sử dụng và lợi dụng tuần hoàn nước. Vậy thế nào là phân cấp cung cấp nước? Phân cấp cung cấp nước tức là tách nguồn cung cấp nước ăn và nước sử dụng cho công, nông nghiệp ra. Đối với hai nguồn nước này phân chia tiêu chuẩn chất lượng khác nhau để dùng những phương pháp xử lý khác nhau. Phân cấp cung cấp nước có hai hàm nghĩa. Thứ nhất là lấy nước ngầm hoặc nước bề mặt có chất lượng tốt dùng vào ăn uống, dùng công nghệ và mạng lưới đường ống hiện có để đảm bảo việc cung cấp nước an toàn, dùng nước ngầm hoặc nước tái sinh đã qua xử lý có chất lượng tương đối thấp cung cấp cho công nghiệp, nông nghiệp, chữa cháy và xây dựng. Thứ hai là hạ thấp thích đáng chất lượng nước của hệ thống cung cấp nước hiện có, dùng một hệ thống hoặc biện pháp chuyên môn khác để cung cấp nước ăn. Thực hiện phân cấp cung cấp nước có mấy điều lợi.
Trước hết là nhu cầu chất lượng đối với 95 % nước sẽ giảm thấp, như vậy có thể giảm được các công đoạn xử lý, từ đó mà phí xử lý rẻ.
Thứ hai là nước thải kinh qua những xử lý không phức tạp lắm đã có thể lợi dụng tuần hoàn trở lại, như vậy sẽ giảm thấp sử dụng nguồn nước thiên nhiên, tức là tiết kiệm được nguồn nước.
Thứ ba là tách riêng nguồn nước ăn uống và các loại nước khác sẽ có lợi cho việc nâng cao chất lượng nước ăn, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện tái chế, tuần hoàn nước thải công nghiệp, nước thải của nước công nghiệp sau khi xử lý có thể lợi dụng tuần hoàn.
Như vậy là đã xây dựng được hệ thống tiết kiệm nước sinh thái vừa mở vừa khép kín.
Hiện nay ở thành phố Thượng Hải việc phân cấp cung cấp nước đang ở giai đoạn thử nghiệm. Những công trình điều nước cự ly dài, lưu lượng lớn liên quan đến việc điều chỉnh lại mối quan hệ giữa phân bố nguồn nước và phát triển kinh tế-xã hội nên ảnh hưởng của chúng vô cùng to lớn. Vì vậy việc quy hoạch, quyết sách và xây dựng bất cứ công trình điều nước vượt khu vực nào đều liên quan đến các vấn đề rất phức tạp như chính trị, pháp luật, kinh tế, kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo sự công bằng và hiệu suất lợi dụng nguồn nước tốt, duy trì cân bằng sinh thái, khi điều nước phải thực hiện được nguyên tắc: vùng nước bị điều đi không làm tổn hại đến các loài cá và các nguồn sinh vật hoang dã hoặc môi trường sinh sống của chúng, không gây ảnh hưởng bất lợi cho môi trường. Ngoài ra vùng bị điều nước đi được phải bảo đảm mực nước ngầm không bị ảnh hưởng. Còn vùng được cung cấp nước phải bảo đảm nguồn nước hiện tại và nguồn nước điều đến đều được sử dụng có hiệu quả. Kỹ thuật phun nước là dùng thiết bị phun có trục ống và vòi phun ra những tia nước li ti để tưới cho cây. Hiệu suất lợi dụng nước của phương pháp này đạt 70 %. Kỹ thuật tưới giọt tiên tiến hơn, tức là chôn đầu vòi nước xuống dưới bộ rễ của cây. Nước chảy ra từng giọt thấm vào đất, trực tiếp nuôi cây. Tiến bộ này giảm thấp được tổn thất nước bốc hơi, khiến cho hiệu suất lợi dụng nước đạt đến 90 %. Nhiều nước đang ra sức mở rộng kỹ thuật mới này. Ví dụ, thành công nhất là Israen, nơi có sa mạc nhiều, lượng mưa ít, không có sống suối nên nguồn nước thiếu nghiêm trọng. Điều đó khiến họ đã nghiên cứu ra kỹ thuật tưới tiết kiệm nước tiên tiến và đã đạt được thành công rất lớn. Hiệu suất lợi dụng nước trong nông nghiệp của các nước trên thế giới chỉ cần được nâng lên 10 % thì số nước tiết kiệm được có thể thỏa mãn được nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân trên toàn thế giới.
Tổng lượng nước dùng cho công nghiệp trên thế giới chiếm 22 %, vì vậy tiềm lực tiết kiệm nước là rất lớn. Tiết kiệm nước công nghiệp chủ yếu là trong quá trình sản xuất, thông qua kỹ thuật xử lý, nước được dùng nhiều lần, sử dụng tuần hoàn. Kiên quyết bảo vệ, cấm chặt phá rừng là cách bảo vệ nguồn nước ngọt hữu hiệu nhất. Rừng có thể lưu chứa nguồn nước, cản trở nước xói mòn đất. Theo tính toán, rừng so với diện tích không rừng, mỗi mẫu (1 mẫu bằng 667,7 m2) có thể chứa nhiều hơn 20 m3 nước. Lượng nước ở 10 vạn mẫu rừng tương đương với lượng nước của một hồ nước cỡ vừa hoặc nhỏ, tức là 20 triệu m3. Rừng còn là “điều độ viên” về nước. Mùa mưa, rừng có thể phân tán nước lũ, làm đỉnh lũ xuất hiện chậm. Mùa khô, rừng giữ cho lưu lượng nước sông ổn định. Rừng có thể điều tiết khí hậu, ngăn gió, chắn cát. Diện tích rừng lớn có thể làm thay đổi bức xạ ánh nắng Mặt Trời và tình trạng lưu thông của không khí. Trong rừng, các tán cây lớn và thân cây có tác dụng cản tốc độ gió. Mỗi ha rừng một năm có thể bốc hơi 8 tấn nước, khiến cho không khí trong rừng mát mẻ, có tác dụng điều hoà khí hậu [3-4]. Rừng còn là nơi khử ô nhiễm và làm sạch môi trường. Rừng giống như máy hút bụi thiên nhiên, 15 mẫu rừng một năm có thể hút 36 tấn bụi. Trong rừng có rất nhiều loại cây có thể khử ô nhiễm môi trường. Những cây như đinh hương, cây phong, cây tượng, cây thông đuôi ngựa... đều hấp thụ khí độc sunfua và clo là những loại khí rất độc. Rừng thông còn có thể tiết ra những chất keo giết chết các loài vi khuẩn gây bệnh bạch cầu, kiết lỵ, lao phổi và giúp làm trong sạch môi trường. Rừng là kho gen khổng lồ, nó chiếm một vị trí rất quan trong trong vành đai sinh vật. Trong rừng thực, động vật, vi sinh vật có rất nhiều, chủng loại vô cùng phong phú.
Theo tính toán, trên Trái Đất có khoảng 10 triệu đến 30 triệu chủng loài vi sinh vật khác nhau, các chủng loài sinh sống chủ yếu trong rừng nhiệt đới và á nhiệt đới có đến 4 - 8 triệu loài. Nếu không có rừng thì ước khoảng 4,5 triệu loài vật trên quả đất bị tiêu diệt, lũ lụt lan tràn, sa mạc không ngừng mở rộng, môi trường sống của con người bị huỷ diệt. Hiện nay, ngăn chặn nạn chặt phá rừng, bảo vệ cân bằng sinh thái là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta. Chỉ có bảo vệ rừng tốt thì Trái Đất của chúng ta mới ngày càng tốt đẹp. Thiên tai là các thảm họa môi trường do “ông Trời” giáng họa: lụt bão, hạn hán, trượt lở đất, động đất, phun trào núi lửa, sóng thần... Tuy nhiên thiệt hại do thiên tai gây ra có phần trách nhiệm của con người. Có một quy luật chung là những vùng hay có thiên tai thường là những vùng nghèo, là những trung tâm bùng phát các luồng di cư đến các vùng khác. Những vùng bị thiên tai nếu không được kiểm soát tốt, dễ kéo theo nạn đói và dịch bệnh làm cho cuộc sống của cộng đồng không ổn định. Thiên tai diện rộng thường tàn phá nặng nề và toàn diện nhất. Bởi lẽ cứu trợ và tái thiết sau thiên tai thường tiêu hao phần lớn nguồn lực dành cho phát triển địa phương. Thiên tai thường kéo theo cảnh mất nơi cư trú không an toàn, cùng với nạn đói và dịch bệnh bùng phát... tất cả những điều đó làm giảm các chức năng cơ bản của môi trường sống.
Phát triển tại các vùng thiên tai cần tiềm năng lớn của cộng đồng và xã hội, rất tiếc là ở các nước đang phát triển, nguồn tiềm năng này lại thường bị thiếu hụt đặc biệt trong các lĩnh vực. Phát triển, quy hoạch, quản lý nhà nước về thủy điện và những hệ lụy của thủy điện ở nước ta đã được bàn luận, phân tích rõ tại hội thảo. Các chuyên gia của mạng lưới sông ngòi Việt Nam đều khẳng định: phát triển thủy điện hiện nay còn nhiều bất cập từ quy hoạch chiến lược, công nghệ, quản lý kém về mặt luật quản lý. Ngoài việc buông lỏng quản lý để các công ty lâm nghiệp giao đất rừng sai đối tượng cho nhiều cán bộ, lãnh đạo tỉnh Đăk Nông còn cho phép nhiều đơn vị chuyển đổi mục đích trồng rừng sang trồng cao su, dẫn đến mất hàng nghìn hécta rừng tự nhiên. Hậu quả nghiêm trọng của những vi phạm này buộc ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xử lý. Liên tiếp lũ lụt tang thương diễn ra khắp nơi có nguyên nhân phá rừng, ngay lập tức Thủ tướng đăng đàn chỉ đạo về quản lý và bảo vệ rừng. Thế nhưng, sát Thủ đô tỉnh Vĩnh Phúc vẫn muốn chuyển rừng phòng hộ trên núi Tam Đảo làm nghĩa trang...
Các biện pháp bảo vệ rừng hiện nay là:
- Tập trung đầu tư giải quyết dứt điểm về cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, trước hết là thủy lợi nhỏ, trường học, trạm xá, đường dân sinh, điện, nước sinh hoạt, trung tâm cụm, xã...
- Có chính sách, cơ chế khuyến khích việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển giao công nghệ thích hợp đến xã nghèo, người nghèo để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo để họ không phá rừng.
- Cung cấp các dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ cơ bản (giáo dục, y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình, nước sạch...), trực tiếp, thuận lợi, có chất lượng cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc, phụ nữ.
- Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, phòng chống thiên tai, giảm rủi ro cho nhóm yếu thế. Cấm phá rừng, đóng cửa rừng như Thủ tướng đã ra lệnh.
- Tăng cường lồng ghép các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Phải bảo vệ rừng, tăng cường các công trình xanh để bảo vệ môi trường.
Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rằng có nhiều biện pháp đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Những lựa chọn trước tiên đó chính là cần phải lồng ghép vấn đề BĐKH. Đặc biệt là các nỗ lực thích ứng vào quá trình lập kế hoạch như quá trình xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo. Chiến lược phát triển bền vững. Sự lồng ghép này phải hướng tới người nghèo, giúp họ giảm thiểu được những tác hại do BĐKH, duy trì được sinh kế, gia tăng được thu nhập phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Đức Khiển, Môi trường nông nghiệp nông thôn
- Ngày nước thế giới 22/3/2019, Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau
- Nguyễn Đức Khiển, An ninh môi trường, NXB Thông tin - truyền thông 2012
- Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Ngọc Sinh; An ninh môi trường cho phát triển bền vững, Hội BVTNMT Việt Nam