Trang chủ / Tin tức chung / Bài phát biểu tại Hội thảo của Phòng Công nghiệp và thương mại Đức ở Việt Nam ngày 6/12/2018

Bài phát biểu tại Hội thảo của Phòng Công nghiệp và thương mại Đức ở Việt Nam ngày 6/12/2018

PHẠM CHÍ CƯỜNG 26/02/2019

Tôi rất vui mừng được thay mặt cho Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam tham dự cuộc hội thảo này và được trình bày với các quý vị về các nét cơ bản của ngành đúc-luyện kim, và cơ khí hiện nay của Việt Nam nhằm góp phần cho buổi giới thiệu Hội chợ GMNT 2019 của CHLB Đức tổ chức ở Việt Nam thu được kết quả tốt đẹp.

Speech at the Conference of the German Chamber of Industry and Trade in Vietnam on December 6, 2018

PHẠM CHÍ CƯỜNG 
Chủ tịch Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam 

Kính thưa - Ngài TS Timo Wiirz - Giám đốc điều hành Hội Đúc-Luyện kim và Kỹ thuật xử lý nhiệt CHLB Đức, - Ngài Gerrit Nawracale - Phó giám đốc Hội chợ GMNT 2019, Messe Düsseldorf, - Ông/Bà đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Đức, - Cùng toàn thể quý vị đại biểu. Tôi rất vui mừng được thay mặt cho Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam tham dự cuộc hội thảo này và được trình bày với các quý vị về các nét cơ bản của ngành đúc-luyện kim, và cơ khí hiện nay của Việt Nam nhằm góp phần cho buổi giới thiệu Hội chợ GMNT 2019 của CHLB Đức tổ chức ở Việt Nam thu được kết quả tốt đẹp. 

1. Về ngành luyện kim đen (thép) 

Từ năm 1963, khu liên hợp gang-thép đầu tiên của Việt Nam ở Thái Nguyên với công suất nhỏ 100.000 tấn/năm đã được Trung Quốc giúp đỡ xây dựng, nhưng do đất nước có chiến tranh nên khu gang-thép này đã bị đánh phá. Mãi đến năm 1990 khi đất nước đã hòa bình và Tổng công ty Thép Việt Nam được thành lập thì cả nước mới chỉ sản xuất 100.000 tấn/năm (miền Bắc 60.000 tấn, miền Nam 40.000 tấn) bằng những lò điện hồ quang cỡ nhỏ. Nhờ chính sách kinh tế đổi mới nhằm phát huy nội lực, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước, Việt Nam đã nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp sản xuất thép trong nước lớn mạnh, để cung cấp thép cho khôi phục và phát triển kinh tế và bước đầu xuất khẩu thép sang các nước trong khu vực và thế giới, kể cả Mỹ và châu Âu. 

Tới năm 2017, Việt Nam đã sản xuất được 5 loại sản phẩm thép với tổng sản lượng trên 22 triệu tấn (năng lực sản xuất 34 triệu tấn/năm); trong đó phôi thép: 11,5 triệu tấn; thép cuộn cán nóng HRC: 1,4 triệu tấn; thép xây dựng: 10 triệu tấn; thép cuộn cán nguội CRC: 3,8 triệu tấn; ống thép hàn: 2,3 triệu tấn; tôn mạ kẽm và phủ màu: 4,6 triệu tấn. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 14,6 triệu tấn (8,8 tỷ USD) nguyên liệu sản xuất thép và thép các loại và xuất khẩu 4,7 triệu tấn các sản phẩm thép (tăng 24 % so với năm 2016 và đạt 3,3 tỷ USD). Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nước sản xuất và xuất khẩu dẫn đầu các nước ở Đông Nam Á và đứng thứ 17 trên thế giới về sản xuất thép thô năm 2017. Nhiều dự án liên hợp lớn về thép đang tiếp tục được xây dựng và mở rộng qui mô, sẽ đưa vào sản xuất năm 2019 và các năm tiếp theo như Formosa, Hòa Phát, Nghi Sơn, Thép Việt, v.v., dự đoán sẽ đưa sản lượng thép của Việt Nam những năm tiếp theo tăng 10-20 % mỗi năm. Tiêu thụ thép tính theo đầu người ở Việt Nam năm 2017 đạt 240 kg/người. 

2. Về sản xuất kim loại màu 

Những năm trước đây, sản xuất kim loại màu của Việt Nam còn rất nhỏ bé và phân tán. Việt Nam chỉ xây dựng các lò nhỏ sản xuất thiếc, chì, kẽm, anti- mon, v.v... ở các địa phương có mỏ kim loại màu để khai thác xuất khẩu nguyên liệu thô như titan, cromit, mangan, v.v... Sau năm 2000, Việt Nam bắt đầu xây dựng những nhà máy sản xuất kim loại màu với qui mô lớn hơn như đồng, chì ở những địa phương có mỏ để sử dụng trong nước và xuất khẩu. Việt Nam có nguồn tài nguyên boxit lớn với trữ lượng nhiều tỷ tấn ở Tây Nguyên. Sau năm 2010, Việt Nam bắt đầu khai thác boxit và xây dựng 2 nhà máy sản xuất alumium ở Tân Rai và Nhân Cơ thuộc tỉnh Lâm Đồng với tổng công suất 630.000 tấn/năm. Sản phẩm của các nhà máy hiện đang được xuất khẩu. Một nhà máy luyện nhôm công suất 300.000 tấn/năm cũng đang được xây dựng ở phía Nam. Trữ lượng mỏ đất hiếm ở miền Bắc Việt Nam cũng rất lớn nhưng chưa được khai thác. 

3. Ngành công nghiệp đúc 

Ngành đúc Việt Nam có từ lâu đời nhưng chủ yếu là ở qui mô nhỏ nằm ở các làng nghề trong cả nước. Sản phẩm là các đồ thủ công, mỹ nghệ cho dân dụng và xuất khẩu. Sau chiến tranh, Việt Nam bắt đầu xây dựng những nhà máy cơ khí chế tạo, thì các xưởng đúc kim loại chỉ là các phân xưởng nằm trong nhà máy cơ khí như Cơ khí Hà Nội, Cơ khí Đông Anh, Cơ khí gang-thép Thái Nguyên, Cơ khí miền Nam, v.v... 

Do nhu cầu ống cấp nước ở các thành phố rất lớn nên một số nhà máy chuyên đúc ống nước được xây dựng như Đúc Mai Động và Đúc Mai Lâm (Hà Nội), Đúc Tân Long (Hải Phòng), v.v.. Khi kinh tế phát triển, nhu cầu sản phẩm đúc tăng mạnh, nên hiện nay Việt Nam đã xây dựng các nhà máy đúc kim loại độc lập, chuyên sản xuất các phụ tùng, thiết bị cho các nhà máy cơ khí chế tạo, trục cán cho nhà máy gang-thép, nhà máy cao su, bi nghiền cho xi măng, vỏ động cơ cho ô tô, xe máy, máy bơm nước, v.v... Việt Nam cũng nhập các công nghệ và thiết bị đúc tiên tiến của thế giới để có thể đúc được các chi tiết phức tạp, đòi hỏi chất lượng cao. Các thiết bị phân tích, kiểm tra tiên tiến và phần mềm mô phỏng hiện đại cũng được đưa vào ngành đúc Việt Nam. Cùng với ngành chế tạo ô tô, xe máy và nhiều ngành kinh tế khác như luyện kim, xi măng của Việt nam đang phát triển mạnh, ngành công nghiệp đúc của Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ phát triển trong tương lai. 

Việt Nam cũng đã tổ chức hai hội thảo Đúc Châu Á vào các năm 2003 và 2013 với sự tham gia của nhiều học giả từ các nước châu Á và thế giới tham dự, quan hệ giữa ngành công nghiệp đúc Việt Nam và các nước ngày được tăng cường và mở rộng. Năm 2016, Việt Nam cũng được mời tham dự Hội nghị Đúc Châu Âu, tổ chức ở Dresden - CHLB Đức và hiện đang được đề nghị tham gia Hiệp hội Đúc thế giới. Ngành đúc các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ cho xuất khẩu và dân dụng cũng đang được mở rộng ở các làng nghề truyền thống của Việt Nam. 

4. Ngành cơ khí chế tạo 

Trong một thời gian khá dài, ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam cũng như nhiều ngành kinh tế khác không phát triển vì công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu. Các sản phẩm công nghệ và dân dụng đều nhập khẩu với giá rẻ và chất lượng vượt trội các sản phẩm chế tạo trong nước đã làm cho công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh. Với nhiều nỗ lực đầu tư công nghệ và thiết bị mới, ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam đã bắt đầu sản xuất được các sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh nên có thể xuất khẩu. Các nhà máy liên doanh lắp ráp ô tô, xe máy và thiết bị gia dụng đã sử dụng các chi tiết, phụ tụng chế tạo tại Việt Nam. Sắp tới Việt Nam sẽ sản xuất ô tô, xe máy (thay cho chỉ lắp rắp) và công nghiệp đóng tàu cùng luyện kim phát triển ở Việt Nam chắc chắn sẽ tạo điều kiện để công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển. 

5. Công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực cho ngành đúc-luyện kim và cơ khí của Việt Nam 

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp đúc-luyện kim và cơ khí của Việt Nam, việc đào tạo các cán bộ nghiên cứu, các kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề cho ngành đúc, luyện kim và cơ khí chế tạo trong suốt mấy chục năm qua đã được quan tâm và đẩy mạnh trong nước, tại các trường ĐHBK Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa Tp.HCM, các trường cao đẳng và trung cấp luyện kim và cơ khí. Ngoài ra, Việt Nam còn cử nhiều sinh viên, kỹ thuật viên, nghiên cứu sinh ra nước ngoài tu nghiệp để về phục vụ cho các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các nhà máy luyện kim, cơ khí trong nước. Tại các cơ sở đào tạo trên, số giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của ngành đúc-luyện kim và cơ khí chế tạo cũng chiếm tỷ lệ đáng kể. Hàng năm, số kỹ thuật viên và kỹ sư đúc-luyện kim và cơ khí tốt nghiệp ở các trường trong và ngoài nước làm việc ở các cơ sở đúc-luyện kim và cơ khí của Việt Nam khá đông. Chính đội ngũ này đã có đóng góp không nhỏ để trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam tiếp cận được với công nghệ tiên tiến của thế giới, nhờ có sự hợp tác trong nghiên cứu, giảng dạy và liên kết kinh tế, đặc biệt là với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp và các nhà máy liên doanh với nước ngoài. 

Kết luận 

Trên đây là một số thông tin cơ bản về tình hình ngành công nghiệp đúc-luyện kim và cơ khí chế tạo của Việt Nam hiện nay, hy vọng sẽ phần nào giúp cho các quý vị hiểu rõ hơn thực trạng của ngành đúc-luyện kim và cơ khí chế tạo của Việt Nam, cũng như mong muốn của Việt Nam hợp tác đầu tư với các nước trong thời gian tới để kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là quan hệ hợp tác kinh tế của Việt Nam với các nước châu Âu ngày càng phát triển.

Xin chúc cho Hội chợ của CHLB Đức tổ chức ở Việt Nam thành công tốt đẹp. Xin cảm ơn.