Trong quá trình sản xuất gang theo công nghệ lò cao (gang lò cao) cần chú ý đến việc chuẩn bị nguyên liệu (phối liệu) nhằm đảm bảo chất lượng và định lượng từng mẻ liệu nạp vào lò cao...
The role of the raw material quality for the cost and quality of pig iron produced by blast furnace technology in Vietnam
TS NGHIÊM GIA
Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam
Email: nghiemgia53@gmail.com
Từ khoá: Sản xuất gang lò cao; quặng sắt; gang-thép Thái Nguyên-TISCO.
1. QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT GANG THEO CÔNG NGHỆ LÒ CAO
Trên thế giới, sản xuất gang theo công nghệ lò cao (công nghệ truyền thống) đã có trên 700 năm nay. Nguyên liệu chính để sản xuất gang theo công nghệ lò cao là quặng sắt, than cốc và nguyện liệu trợ dung (vôi, đôlômít, quăczit,...). Sản xuất gang theo công nghệ lò cao chiếm trên 80 % so với các công nghệ luyện gang khác.
Để tăng sản lượng và hiệu quả sản xuất gang, các nhà sản xuất thép thế giới đã nghiên cứu tăng dung tích lò cao từ 2.000 m3 (năm 1960) lên 5.500 m3 (năm 1986 Liên Xô có lò cao lớn nhất thế giới). Ở Việt Nam từ 2017 về trước dung tích mỗi lò cao chỉ từ 70-110 m3, đến tháng 7/2018 mới có 2 lò cao dung tích mỗi lò 4.350 m3 do Tập đoàn FORMOSA lắp đặt tại Khu công nghiệp Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh. Xu hướng hiện nay, các nhà sản xuất thép thế giới tập trung nghiên cứu giải pháp công nghệ (phun than cám, làm giầu ôxy, tăng nhiệt độ gió nóng, nâng cao chất lượng liệu, nâng áp suất khí đỉnh lò...) và hiện đại hoá kết cấu nội hình lò cao để giảm giá thành sản xuất gang, tăng năng suất, kéo dài tuổi thọ lò cao và bảo vệ môi trường.
Trong quá trình sản xuất gang theo công nghệ lò cao (gang lò cao) cần chú ý đến việc chuẩn bị nguyên liệu (phối liệu) nhằm đảm bảo chất lượng và định lượng từng mẻ liệu nạp vào lò cao. Các mẻ liệu sau khi “phối liệu” phải có chất lượng ổn định (về thành phần hóa học và cỡ hạt) theo yêu cầu chất lượng và tính chất sử dụng của từng mác gang (với gang đúc hàm lượng Si là 0,2 % và gang luyện Si là 0,15 %). Tính toán phối liệu tốt sẽ đảm bảo chế độ nhiệt, chế độ gió, chế độ xỉ, nhiệt độ gang ra lò, giảm tiêu hao than cốc và các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật.
Vì thế, hiện nay trên thế giới việc chuẩn bị nguyên liệu đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu trong sản xuất gang lò cao. Việc chuẩn bị nguyên liệu đầu vào chiếm 70 % chi phí giá thành gang lò cao.
Từ thực tế sản xuất cho thấy chất lượng nguyên liệu ảnh hưởng lớn đến giá thành và chất lượng gang. Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu nạp vào lò cao, các Nhà máy luyện gang trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tiến hành thực hiện theo một số nguyên tắc và yêu cầu như sau: i) Chuẩn bị tốt các nguyên liệu sau khai thác và tuyển khoáng tại các mỏ với giá thành rẻ nhất; ii) Trung hòa nguyên liệu (đặc biệt đối với quặng sắt) để ổn định chất lượng (thành phần hóa học, cỡ hạt... đáp ứng yêu cầu) tại các kho bãi trước khi nạp vào lò cao với số lượng dự trù đủ cho sản xuất 20 ngày; iii) Đối với quặng sắt cần tiến hành thiêu kết hay vê viên và giảm lượng quặng sống nạp vào lò cao nhằm giảm tiêu hao than cốc, tăng năng suất lò cao và hạ giá thành gang.
2. MỐI QUAN HỆ GIỮA CHẤT LƯỢNG NGUYÊN LIỆU VỚI GIÁ THÀNH VÀ CHẤT LƯỢNG GANG LÒ CAO
Để thấy rõ mối quan hệ giữa chất lượng nguyên liệu đầu vào với giá thành và chất lượng gang lò cao, cần phải xem xét các yếu tố chi phí theo công thức tính giá gang và đánh giá chất lượng nguyên liệu theo các tiêu chí nêu dưới đây.
2.1. Công thức xác định giá thành gang lò cao Có nhiều công thức tính giá thành sản xuất gang theo công nghệ lò cao (gang lò cao), trong đó công thức Pavlov là công thức thông dụng để tính giá thành gang lò cao như sau:
trong đó:
P - giá thành 1 tấn gang lò cao, (đồng/tấn);
P1 , P2 , P3 - giá thành của 1 tấn quặng sắt, than cốc và nguyên liệu trợ dung (đồng/tấn gang);
K - suất tiêu thụ than cốc (tấn/tấn gang).
φ − suất tiêu thụ nguyên liệu trợ dung (tấn/tấn gang);
G - giá thành 1 tấn gang tại phân xưởng (đã bao gồm các chi phí: lương công nhân, chi phí chung, khấu hao, động lực...).
Từ công thức và kết quả phân tích chi phí giá thành gang lò cao của Tập đoàn Thép TATA (Ấn Độ) và Nhà máy Luyện gang - TISCO nêu trong bảng 1 thấy rằng chi phí nguyên liệu (quặng sắt, than cốc và nguyện liệu trợ dung) chiếm từ (73-84) % giá thành gang lò cao, trong đó chi phí than cốc chiếm tỷ lệ cao nhất.
Bảng 1- Chi phí giá gang lò cao của TATA và Nhà máy luyện gang - TISCO
(Nguồn: A. Chatterjee, “Proceeding of Romelt”, New Dehli, VNSTEEL và TISCO).
Các yếu tố chi phí |
Tỷ lệ trong giá thành tấn gang, % |
TATA |
NM gang TISCO |
Quặng sắt |
25,4 |
24 |
Than cốc |
47,4 |
56 |
Nguyên liệu trợ dung |
1,2 |
4 |
Vật liệu chịu lửa |
1,3 |
Vật liệu đầm lò |
2,5 |
Than cám để phun trợ lực |
3,7 |
0 |
Chi phí động lực (điện, nước, khí, ...) |
4,7 |
4 |
Chi phí lương và quản lý |
6,2 |
12 |
Chi chung và phí khác |
7,6 |
|
Cộng |
100,0 |
100 |
2.2. Yêu cầu chất lượng và tiêu chí đánh giá chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gang lò cao
Từ kinh nghiệm sản xuất gang lò cao của các nước trên thế giới, công thức tính giá thành gang lò cao nêu trên và kết quả “Nghiên cứu giải pháp trung hoà và ổn định chất lượng nguyên liệu cho sản xuất gang lò cao của TISCO” thấy: Chất lượng và giá nguyên liệu quyết định và ảnh hưởng rất lớn đến giá thành và chất lượng gang lò cao.
Trong sản xuất gang lò cao thường dùng nhiều loại quặng sắt khác nhau để phối liệu với than cốc và nguyên liệu trợ dung tạo nên mẻ liệu, đảm bảo yêu cầu chất lượng nạp vào lò cao nhằm sao cho giá thành sản suất gang thấp nhất. Dưới đây sẽ mô tả tóm tắt yêu cầu chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gang lò cao ở Việt Nam.
a. Yêu cầu chất lượng quặng sắt cho luyện gang lò cao
Thực tế sản xuất đã khẳng định giá thành và chất lượng gang lò cao phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng quặng sắt nạp vào lò cao. Nguồn quặng sắt cung cấp cho các nhà máy luyện gang lò cao ở Việt Nam chủ yếu được khai thác từ các mỏ trong nước (mỏ Trại Cau, mỏ Tiến Bộ tỉnh Thái Nguyên; mỏ Ngườm Cháng, mỏ Nà Lũng và mỏ Nà Rụa tỉnh Cao bằng; mỏ Tòng Bá, mỏ Sàng Thần tỉnh Hà Giang; mỏ Quý Sa và một số mỏ nhỏ ở tỉnh Lào Cai; một số mỏ ở tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Tuyên Quang...). Hiện nay do chất lượng cũng như số lượng quặng sắt giảm không đáp ứng yêu cầu, nên một số doanh nghiệp xản xuất gang lò cao đã phải nhập quặng sắt chất lượng cao về phối trộn với quặng sắt trong nước.
Chất lượng quặng sắt khai thác từ các mỏ trong nước để sản xuất gang lò cao được đánh giá theo các tiêu chí cơ bản nêu dưới đây.
- Tiêu chí thứ nhất là “Thành phần hoá học các nguyên tố trong quặng sắt”
Hàm lượng sắt (Fe): Thực tế sản xuất cho thấy khi hàm lượng Fe trong quặng sắt giảm 1 % thì mức tiêu hao than cốc tăng thêm > 2 %. Công nghệ luyện gang lò cao có thể sử dụng quặng sắt có hàm lượng Fe = (45 - 50) % và > 60 %. Quặng sắt có Fe càng cao càng tốt, giới hạn Fe thấp nhất để sử dụng cho lò cao tuỳ thuộc vào nguồn quặng (chất lượng và trữ lượng), điều kiện khai thác và tuyển và hiệu quả công nghệ luyện gang của từng nước. Thực tế và lý thuyết cho thấy khi hàm lượng Fe trong quặng cao và ổn định thì quá trình luyện gang lò cao đạt chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao và ổn định. Thành phần hóa học quặng sắt không ổn định sẽ gây ảnh hưởng: i) Độ kiềm của xỉ ba động, chế độ ra xỉ không phù hợp; ii) Chế độ nhiệt của nồi lò cao thay đổi; iii) Chất lượng quặng sắt thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nấu luyện,...
Hàm lượng đất chay (tỷ lệ Al2O3 và SiO2) trong quặng sắt cũng là yếu tố chủ yếu quyết định đến chất lượng quặng sắt. Quặng sắt chứa Al2O3 và SiO2 cao sẽ tăng mức tiêu hao than Cốc, than cám và nguyên liệu trợ dung, tăng xỉ và làm tăng giá thành gang.
Hàm lượng các tạp chất khác (S, P, As, Pb, Mn, Zn, Si, Ti, Cr, Ni,...) trong quặng sắt càng thấp càng tốt. Vì các lý do được nêu sau đây: i) Lưu huỳnh (S) ở dạng FeS2, CaSO4, BaSO4 ... Trong lò cao S sẽ phân bố vào xỉ, khí và gang. Khi luyện thép, một phần S trong gang sẽ chuyển vào thép gây nên "bở nóng" làm giảm cơ tính và các tính chất hóa lý khác của thép; ii) Phốt pho (P) ở dạng Ca5(Fe, Cl)(PO4)3 và Fe3(PO4)28 H2O. Trong lò cao, P được hoàn nguyên hoàn toàn và chuyển vào gang. Khi dùng gang này luyện thép, lượng P sẽ chuyển vào thép gây "bở nguội" và giảm cơ tính của thép; iii) Asen (As) ở dạng As2O5, As2O3,... trong lò cao As dễ hoàn nguyên và chuyển hoàn toàn vào gang. As cao sẽ làm giảm cơ tính và tính hàn của gang và thép; iv) Chì (Pb) thường ở dạng PbS, PbCO3,... Sau khi hoàn nguyên Pb không hoà tan vào gang do tỷ trọng lớn hơn nên lắng xuống đáy và thấm vào các khe hở sẽ phá hủy đáy lò cao. Mặt khác, khi sôi (1550 oC) một phần Pb bốc hơi lắng đọng lại ở các hộp nước làm nguội, một phần thoát ra khỏi lò gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh; v) Mangan (Mn) ở dạng MnO2, Mn2O3, Mn3O4. Trong lò cao Mn được hoàn nguyên và lẫn vào gang. Mn làm tăng độ bền, độ cứng, độ mài mòn và độ va đập của thép. Nhưng nếu hàm lượng Mn trong gang cao sẽ gây ra khó khăn cho luyện thép. Vì vậy quặng sắt được qui định chặt chẽ về tỷ lệ Mn/Fe 1,5 % nếu tỷ lệ này vượt quá qui định bắt buộc phải tính toán phối liệu quặng hoặc chỉ dùng để luyện thành những mác gang thép khác theo yêu cầu; vi) Kẽm (Zn) thường ở dạng hợp chất với ôxy (O) và lưu huỳnh (S). Zn cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình luyện gang lò cao vì: nhiệt độ sôi của Zn thấp (905 oC); Zn không chuyển vào gang mà bay hơi lên phía trên đỉnh lò đọng lại và tạo thành bướu làm cản trở chu trình lưu thông khí bên trong lò cao. Vì thế mà rất nhiều nước chỉ sử dụng quặng sắt có Zn cao bằng cách phối trộn với loại Zn thấp để luyện gang lò cao; vii) Silic (Si) ở dạng SiO2 tự do. Trong lò cao Si được hoàn nguyên vào gang 15 % và vào xỉ 85 %. Trong gang đúc Si là nguyên tố cần thiết để tạo graphít hóa, gang dùng cho luyện thép Si là nguyên tố cấp nhiệt cho lò luyện thép. Nếu SiO2 trong quặng sắt cao cần phải bổ sung lượng CaO tương ứng để tạo xỉ thuận tiện cho quá trình luyện gang; viii) Titan (Ti) ở dạng TiO, Ti2O3, Ti3O5, TiO2. Trong lò cao một phần nhỏ Ti được hoàn nguyên vào gang, còn lại vào xỉ làm xỉ sệt. Titan làm tăng tính chống mài mòn, tính chịu nóng và độ bền cơ học của thép. Hàm lượng Ti trong quặng sắt qui định Ti 0,3 %; ix) crôm (Cr) trong quặng thường ở dạng FeCr2O4. Trong lò cao Cr được hoàn nguyên vào gang. Cr làm tăng khả năng chịu ăn mòn hoá học của gang thép. Nhưng xỉ chứa nhiều ô xít crôm dễ bị sệt và gang chứa nhiều Cr (0,2 %) sẽ khó gia công. Do vậy hàm lượng Cr trong quặng thường lấy 0,3 %; x) Niken (Ni) thường ở dạng (Ni, Mg) SiO3.2H2O. Trong lò cao Ni rất dễ hoàn nguyên và có lợi ích lớn nâng cao các tính chất của gang thép (nâng cao tính chịu ăn mòn hoá học và tính chịu nóng của thép).
Chất lượng quặng sắt nạp vào lò cao đòi hỏi thành phần hóa học phải ổn định để quá trình vận hành lò thuận lợi và đảm bảo năng suất lò theo thiết kế. Do vậy công tác chuẩn bị nguyên liệu hết sức cần thiết. Việc trung hoà quặng sắt và tính toán phối liệu phải đảm bảo hàm lượng Fe, SiO2, Al2O3 không được dao động quá 0,5 %.
- Tiêu chí thứ 2 là “Tính hoàn nguyên của quặng sắt”
Tính chất hoàn nguyên của quặng quyết định suất tiêu hao nhiên liệu và năng suất lò cao, tính hoàn nguyên của quặng càng cao hiệu quả kinh tế khi luyện càng lớn. Tính hoàn nguyên là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng quặng sắt, nó phụ thuộc vào độ xốp và thành phần khoáng chất trong quặng sắt. Khi độ xốp cao sẽ dễ hoàn nguyên vì khi tăng nhiệt độ thì nước ẩm và nước hyđrát thoát ra tạo nhiều lỗ trống để khí (CO, H2) xâm nhập giúp quá trình hoàn nguyên nhanh sẽ giảm tiêu hao nhiên liệu và nâng cao năng suất lò cao cao. Hiện tại lò cao Thái Nguyên sử dụng quặng sắt limônít có hàm lượng Mn cao và đổ ẩm lớn nên khả năng hoàn nguyên không thuận lợi.
- Tiêu chí thứ 3 là “Nhiệt độ biến mềm và khoảng biến mềm của quặng sắt”
Nhiệt độ biến mềm và khoảng biến mềm của quặng sắt phụ thuộc vào thành phần các chất và cấu trúc khoáng vật trong quặng sắt cũng như độ xốp của quặng sắt đều có ảnh hưởng đến quá trình luyện gang lò cao, được mô tả dưới đây.
Nhiệt độ biến mềm cao hay thấp và khoảng biến mềm rộng hay hẹp sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành lò cao, độ thông khí của cột liệu, quá trình tạo xỉ và mức độ hoàn nguyên của quặng sắt. Khi nhiệt độ biến mềm thấp quặng sắt dễ chảy ở vùng trên thân lò cao sẽ ảnh hưởng đến độ thông khí của cột liệu. Ngược lại nếu nhiệt độ biến mềm cao quá khi cột liệu xuống tới vùng dưới thân lò cao mới nóng chảy làm giảm mức độ hoàn nguyên dẫn đến tiêu hao than cốc tăng lên. Quặng sắt có khoảng biến mềm rộng và nhiệt độ biến mềm thấp sẽ gây khó khăn cho luyện gang lò cao.
Quặng sắt có độ xốp càng cao mức độ hoàn nguyên càng tốt. Thông thường độ xốp thể tích quặng sắt manhetit (25-30) % và quặng sắt limonit 25 %. Vì thế, xu thế luyện gang lò cao hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã sử dụng quặng sắt qua thiêu kết (quặng thiêu kết) thay cho quặng sắt sống (chưa qua thiêu kết) để sản xuất gang. Quặng thiêu kết có độ xốp (30-33) %. Hiện nay các lò cao của Việt Nam đã sử dụng 80 % quặng thiêu kết và 20 % quặng sống nên đã giảm được mức tiêu hao than cốc khá lớn.
- Tiêu chí thứ 4 là “Cỡ hạt và tỷ trọng đống của quặng sắt”
Trong phối liệu lò cao yêu cầu quặng sắt có cỡ hạt (8-45) mm, hạn chế việc sử dụng quặng sắt cỡ hạt < 8 mm nhằm đảm bảo độ thông thoáng của cột liệu. Ngược lại nếu quặng sắt cỡ hạt to quá > 45 mm sẽ khó hoàn nguyên hết ở vùng hông lò trở lên và làm nguội nồi lò nên phải tăng mức tiêu thụ than cốc khi luyện gang.
Tỷ trọng đống của quặng sắt phụ thuộc vào hàm lượng Fe và độ xốp của quặng, quặng sắt có tỷ trọng đống cao chất lượng sẽ tốt hơn và thuận lợi cho quá trình luyện gang (dễ đạt được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật).
Hiện nay, các lò cao ở Việt Nam dùng loại quặng sắt cỡ hạt (8-45) mm (trong đó cỡ hạt (8-10) mm chiếm (20-25) % và (30-45) mm chiếm 30%), tỷ trọng đống 2,3 tấn/m3, nên thuận lợi cho vận hành lò cao và đảm bảo các chỉ tiêu KTKT sản xuất gang lò cao. Chất lượng các loại quặng sắt khai thác và tuyển từ các mỏ trong nước cơ bản đáp ứng yêu cầu cho luyện gang lò cao. Tuy nhiên qua khảo sát và phân tích số liệu thực tế cho thấy còn một số điểm chưa phù hợp như sau: i) Quặng sắt cỡ (8-45) mm chứa nhiều cỡ hạt < 8 mm (chiếm từ 5-10 %) và cỡ hạt (8-20) mm chiếm tới (50-60) %. Quặng sắt cỡ hạt nhỏ nạp trực tiếp vào lò cao sẽ làm lò bí, treo sụt liệu, giảm năng suất và tăng tiêu hao than cốc; ii) Lượng đất chay trong quặng sắt sau tuyển khá cao (Al2O2 + SiO2 khoảng 6 - 9 %); iii) Chất lượng quặng sắt của các mỏ giảm dần theo chiều sâu khai thác; iv) Dây chuyền thiết bị tuyển cũ và lượng nước cấp cho các nhà máy tuyển thiếu nên quặng sắt sau tuyển rửa không sạch; v) Việc khai thác các loại quặng sắt manhetít và limonit mất cân đối về số lượng (chỉ tập trung khai thác quặng sắt manhetít) nên việc trung hoà chất lượng quặng sắt không thể thực hiện theo kế hoạch.
b. Yêu cầu chất lượng than cốc cho luyện gang lò cao
Than cốc là nguyên liệu chính thứ hai để sản xuất gang theo công nghệ lò cao. Do vậy giá thành và chất lượng gang phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng than cốc nạp vào lò cao. Vì thế, chất lượng than cốc cho luyện gang lò cao phải đảm bảo yêu cầu nêu trong bảng 2 và các điều kiện cụ thể sau đây:
- Chứa ít tạp chất, độ tro (A) thấp và lưu huỳnh (S) càng thấp càng tốt (vì trong lò cao 80 % S do than cốc mang vào).
- Cường độ trống quay và độ bền nhiệt cao, than cốc không bị vỡ vụn và cỡ hạt đồng đều để đảm bảo độ thông khí của cột liệu trong lò cao.
- Độ xốp cao để đảm bảo cường độ cháy. Có nhiệt trị lớn và tính cháy phù hợp.
Bảng 2. Yêu cầu chất lượng than cốc cho luyện gang lò cao ở Việt Nam.
Các chỉ tiêu |
W, % |
V, % |
Ccd, % |
S, % |
A, % |
Cường độ trống quay |
Giá trị |
< 5 |
> 1 |
≥ 85 |
≤ 1 |
15 - 17 |
≥ 320 |
c. Yêu cầu chất lượng của nguyên liệu trợ dung co sản xuất gang lò cao
Nguyên liệu trợ dung (vôi, đôlômít, quăczit,...) nạp vào lò cao để tạo xỉ trong quá trình luyện gang. Nguyên liệu trợ dung nạp vào lò cao phải được tính toán phối liệu cụ thể cho từng mẻ liệu kết hợp với đất chay của quặng sắt và tro của than cốc tạo xỉ nhằm đảm bảo lò vận hành thuận lợi (không bị treo sụt, khử được lưu huỳnh và một số tạp chất khác trong lò cao). Tùy theo thành phần đất chay của quặng sắt để lựa chọn nguyên liệu trợ dung cho phù hợp (loại kiềm tính, axít hay trung tính) theo yêu cầu nêu ở bảng 3.
Bảng 3. Yêu cầu chất lượng nguyện liệu trợ dung cho sản xuất gang lò cao
TT |
Nguyên liệu trợ dung |
SiO2 |
CaO |
MgO |
Al2O3 |
Cỡ hạt, mm |
1 |
Đá vôi (%) |
0,86 |
51,36 |
1,80 |
- |
15-40 |
2 |
Đôlômít (%) |
0,85 |
31,20 |
17,80 |
- |
15-40 |
3 |
Quắczít (%) |
92,00 |
- |
- |
2,74 |
15-40 |
3. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu thực tế sản xuất gang lò cao của một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cho thấy chất lượng nguyên liệu đầu vào có mối quan hệ và ảnh hưởng rất lớn đến giá thành và chất lượng gang sản xuất theo công nghệ lò cao. Chất lượng nguyên liệu để sản xuất gang lò cao của Việt Nam thấp (quặng sắt có nhiều đất chay, than cốc độ tro cao...), mặt khác dung tích lò cao quá nhỏ... tất cả các nguyên nhân này dẫn hiệu quả sản xuất gang lò cao thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý và doanh nghiệp sản xuất gang lò cao Việt Nam phải tìm mọi biện pháp để chủ động đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu (đặc biệt là quặng sắt) trong nước và tìm mọi giải pháp nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng nguyên liệu cho sản xuất gang lò cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- TS Nghiêm Gia, KS Nguyễn Văn Chung v.v...; “Nghiên cứu các giải pháp trung hoà và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gang theo công nghệ lò cao của Công ty Gang-thép Thái Nguyên”, Bộ Công- Thương, năm 2008.
- Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 của TT Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch thăm dò và khai thác quặng sắt Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2030”.
- TS Nghiêm Gia, ThS Nguyễn Quang Dũng v.v...; “Chiến lược thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt TCTy Thép Việt Nam-CTCP giai đoạn 2015-2030”, Hà Nội, 2015.
- Lý thuyết quá trình Luyện gang lò cao và chuẩn bị nguyên, nhiên liệu cho luyện gang lò cao, NXB Đại học Bách khoa Hà Nội, 2000.
- И.П.БАДИНА, “Quy trình vận hành lò cao”, NXB Luyện kim Moskva, 1985.