Lựa chọn công nghệ tiên tiến xử lý chất thải rắn
PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 20/11/2017
Rác thải là vấn đề nóng bỏng hiện nay trong cả nước, không riêng địa phương nào. Hiện nay, hầu như cả nước đều xử lý công nghệ chôn lấp. Công nghệ này tuy đơn giản, dễ thực hiện nhưng gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Rác thải là vấn đề nóng bỏng hiện nay trong cả nước, không riêng địa phương nào. Hiện nay, hầu như cả nước đều xử lý công nghệ chôn lấp. Công nghệ này tuy đơn giản, dễ thực hiện nhưng gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nhân dân quanh bãi chôn lấp đều kêu mùi hôi thối và ô nhiễm của nước thải bãi rác, tiếng ồn và ruồi muỗi quá nhiều không chịu nổi. Mặt khác, do tính tự giác của người dân còn thấp nên rác thải thưởng đổ trộm ra ven dường, nơi công cộng, đặc biệt ở các huyện ngoại thành làm cho môi trường càng thêm bức xúc. Công ty môi trường Đông Anh đổ trộm chất thải ra nơi vắng vẻ đã được truyền hình Trung ương đưa tin nhiều lần (7/2016).
Hiện nay, những công trình xây dựng mới ngày càng mọc lên nhiều, đồng nghĩa với lượng đất thải, phế thải xây dựng phát sinh lớn. Vì nhiều lý do, việc giải quyết triệt để các “núi” phế thải xây dựng đang là nỗi lo của nhiều địa phương. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông, đơn vị có chức năng vận chuyển phế thải xây dựng, nhưng thực tế chưa có một đơn vị chủ đầu tư công trình nào ký hợp đồng vận chuyển phế thải xây dựng với công ty. Trong khi đó số lượng các công trình lớn, nhỏ của các khu đô thị và những hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quận đang được thi công nhiều, lượng phế thải rất lớn.
Từ năm 2014, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng ra khu xung quanh khu chung cư Huyndai Hillstatl. Còn tại các nơi khác như quận Nam Từ Liêm chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện và xử lý hàng chục vi phạm đổ chất thải trái phép ra môi trường, thu gom vận chuyển 2037,49 m3 đất thải, phế thải xây dựng. Do địa bàn phường Đại Mỗ, Phú Đô, Mễ Trì, Trung Văn ở gần đại lộ, ven trục đường Tố Hữu là những nơi đường vắng, có nhiều khoảng đất trống và giáp ranh với địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông nên vấn nạn đổ trộm phế thải vẫn tiếp tục xảy ra. Thiết bị sản xuất của các làng nghề đa số được chế tạo từ những năm 1950 - 1960. Các chất thải từ làng nghề chưa được xử lý và thải trực tiếp vào môi trường. Quy mô sản xuất tại các làng nghề nhỏ, phân tán, manh mún. Tài chính và vốn đầu tư thấp, sản xuất tự phát, không có quy hoạch, kế hoạch lâu dài, khó huy động tài chính và vốn đầu tư lớn nên khó khăn trong đổi mới kỹ thuật và sản phẩm, không muốn và không thể đầu tư cho xử lý môi trường.
- Làng nghề cơ kim khí
Nguồn phát sinh các chất thải rắn tại các cơ sở sản xuất cơ kim khí là các bụi kim loại, mạt kim loại, ba via, phoi sắt và các sản phẩm bị hỏng. Phoi sắt và các sản phẩm hỏng được thu gom và bán cho người thu mua phế liệu, các loại bụi kim loại, mạt kim loại được thu gom và đổ xuống ao của làng hoặc đổ ra các bãi phế thải hoặc đổ ra vườn của các cơ sở sản xuất đó.
- Làng nghề dệt nhuộm
Quá trình dệt vải tại làng nghề dệt nhuộm với nguyên liệu là tơ, lanh. Do vậy, trong quá trình sản xuất phát sinh ra chất thải rắn là các tơ, sợi lanh vụn, bông. Tuy vậy, lượng chất thải rắn thải ra từ (0,1 - 0,5) kg/khung dệt/ngày. Lượng chất thải này được thu gom và đổ ra bãi rác thải. Ngoài ra còn có các vỏ bao bì bằng giấy carton nhưng được thu gom và bán phế liệu. Tổng lượng chất thải rắn của toàn làng nghề khoảng từ (100 – 500) kg/ngày.
- Làng nghề mây tre đan
Chất thải rắn của làng nghề mây tre đan chủ yếu là các xơ tước mây tre, các sản phẩm bị hỏng, giẻ lau có chứa dung môi hữu cơ. Các loại chất thải rắn phát sinh từ các công đoạn sản xuất được dùng để đung nấu trừ giẻ lau. Lượng chất thải này tuy không nhiều, khoảng (20 – 30) kg/tháng/cơ sở sản xuất.
- Làng nghề chế biến nông sản
Quá trình sản xuất của các cơ sở chế biến nông sản tạo ra chất thải rắn từ các khâu tách tạp chất, bóc vỏ lụa, lọc. Ở khâu tách tạp chất, chất thải chủ yếu là các tạp chất vô cơ như đất, cát, sỏi được tách bằng rửa sơ bộ, ở giai đoạn bóc vỏ phần lớn là chất xenlulo, hữu cơ. Còn lại chất thải sau khi lọc là các bã nông sản các xơ được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi hoặc đem ủ làm phân bón ruộng. Lượng chất thải khoảng (400 – 500) kg/tấn nguyên liệu. Mặc dù đã ứng dụng nhiều công nghệ trong xử lý chất thải rắn, nhưng hiện nay về cơ bản Hà Nội vẫn phải xử lý chất thải bằng hình thức chôn lấp. Theo thống kê của Sở Xây dựng, mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 6.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt và khoảng 95 % trong số đó được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Biện pháp này đơn giản nhưng tốn kém tài nguyên đất, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm.
TổngGiámđốccôngtyTNHHMTVMôi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn) dù đã được đầu tư nhà máy xử lý nước rác, được đánh giá đạt Quy chuẩn QCVN 5945-2005 song cũng không thể giải quyết triệt để tác động tới môi trường. TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) nhận xét, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải, nhằm hướng tới giảm khối lượng chôn lấp.
Tại hội thảo “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án phát điện nối lưới từ chất thải rắn tại Việt Nam” do Bộ Công - Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức cuối tháng 8/2017, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng rác thải là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí mà Việt Nam chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng… Đồng quan điểm, ông Trương Việt Anh, công ty Fecom nêu: Trong khi mỗi ngày Hà Nội có lượng lớn rác được chở đi chôn lấp thì nhiều nhà đầu tư lại không thể tìm được nguồn rác ổn định để phát triển các dự án năng lượng. Tại phiên giải trình trước HĐND thành phố về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành ngày 12/9 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đã giao cho các đơn vị tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải; xử lý triệt để tình trạng đổ trộm phế thải; đồng thời kêu gọi nhân dân tự giác chấp hành nội quy nơi công cộng, không xả rác bừa bãi…
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, TP Hà Nội đang tiến hành nhiều biện pháp với mục tiêu đến năm 2025, tất cả các loại rác thải phát sinh đều được thu gom, tái chế và xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Hà Nội cũng tập trung triển khai đồng bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2018, tiếp tục lựa chọn công nghệ chôn lấp và xử lý rác thải hợp vệ sinh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt phát điện.
Giai đoạn 2018 - 2020, lựa chọn tái chế, thu hồi rác thải là công nghệ chủ đạo, đốt một phần, hoặc đốt có thu hồi năng lượng; kết hợp với chôn lấp tại chỗ (khu vực ngoại thành) hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp tập trung của thành phố, hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế) hoàn chỉnh cho Hà Nội. Trước nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn, thành phố Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ vào tái chế chất thải, biến chất thải thành vật liệu có ích. Hiện có nhiều doanh nghiệp tư nhân đồng hành cùng thành phố, áp dụng các mô hình xử lý chất thải rắn hiệu quả, hạn chế tác động đến môi trường.
Ông Nguyễn Phúc Thành - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long (ENSERCO) cho biết, công ty vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế cho “Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu huỷ có thu hồi nhiệt”. Theo ông Nguyễn Phúc Thành, quy trình công nghệ này giúp giảm chi phí xử lý rác khi sử dụng ít nhiên liệu phụ trợ hơn, nhờ biện pháp loại bỏ các thành phần rác không cháy; ủ và sấy để giảm độ ẩm của rác trước khi đốt. Đặc biệt quy trình đốt rác sẽ tận dụng nhiệt năng từ khí thải lò đốt để sấy rác và sấy nóng không khí cung cấp cho lò đốt. Trong quá trình phân loại và sấy rác, các kỹ sư sử dụng thiết bị thu gom khí đưa vào lò đốt, để giảm phát thải mùi hôi ra môi trường. Quan trọng hơn là toàn bộ khâu từ thu gom, vận chuyển và xử lý được tập trung về một đầu mối. Hiện tại, Nhà máy xử lý chất thải tại Sơn Tây của ENSERCO đang phát huy hiệu quả, với công suất xử lý 700 tấn rác/ngày. Không chỉ có ENSERCO, Công ty cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội cũng đang triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ nghiền phế thải xây dựng thành vật liệu xây dựng.
Theo ông Đặng Tiến Thành - Giám đốc Công ty, ước tính mỗi ngày, khối lượng phế thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố lên tới 3.000 tấn, chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp hoặc dùng san lấp khu vực trũng, gây tốn kém, chiếm dụng đất, ô nhiễm môi trường. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Công ty đã phối hợp với đối tác Cộng hoà Liên bang Đức, nhập dây chuyền nghiền phế thải xây dựng theo công nghệ mới, lần đầu tiên ứng dụng tại Hà Nội. Phế thải xây dựng sau khi xử lý có thể tái sử dụng làm vật liệu cho công trình hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Văn Quý - Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, sau khi thành phố ban hành thông báo về 10 tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác thải trên địa bàn, đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký, đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong xử lý rác thải, có hồ sơ thiết kề công nghệ đốt, phát điện tiên tiến, hiệu quả, đã nghiên cứu kỹ về tính chất rác thải tại Hà Nội…
Để hạn chế các tổn thất to lớn do ô nhiễm môi trường đề nghị thành phố Hà Nội thực hiện đầy đủ chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Cụ thể:
- Hà Nội cần phải ngăn chặn về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đất nước, bảo đảm cho mọi người dân sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do nhà nước quy định. Toàn dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn theo công nghệ hợp lý, nghiêm cấm đổ trộm rác thải.
- Hà Nội cần một giải pháp tổng thể trên các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cộng đồng. Với giao thông, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nâng cao chất lượng đường sá, giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng nhiên liệu. Với sản xuất, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý rác thải, khí thải, khuyến khích dùng công nghệ thân thiện. Ngoài ra, nên tăng cường diện tích cây xanh của thành phố.
- Hà Nội cần phải hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái, chủ động đáp ứng nhu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, hạn chế tác động xấu từ quá trình toàn cầu hóa.
Đồng thời phải tăng cường đào tạo giáo dục, nâng cao nhận thức môi trường cho mọi người dân và đặc biệt cho lãnh đạo các cấp vì họ là những người đưa ra các quyết định cuối cùng. Cần huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường trong điều kiện nước ta phải đối mặt với những tác động tiêu cực của vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế không đi đôi với bảo vệ môi trường dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự xâm hại của môi trường sống ngày càng nghiêm trọng ở các cộng đồng dân cư là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Bảo vệ môi trường không chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ mà còn là văn hoá, đạo đức, là tiêu chuẩn đảm bảo cho một xã hội văn minh, phát triển.
PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội