Trang chủ / Môi trường / Làm thế nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Làm thế nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội

PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 29/04/2020

Chưa bao giờ Hà Nội lại trải qua một đợt ô nhiễm không khí nặng nề đến như vậy. Kể từ ngày 13/9/2019, Hà Nội liên tiếp lọt vào nhóm dẫn đầu các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của tổ chức AirVisual.

How to reduce air pollution in Hanoi

 PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 
Nguyên giám đốc Sở KHCNMT Hà Nội

Chưa bao giờ Hà Nội lại trải qua một đợt ô nhiễm không khí nặng nề đến như vậy. Kể từ ngày 13/9/2019, Hà Nội liên tiếp lọt vào nhóm dẫn đầu các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của tổ chức AirVisual. Với chỉ số AQI luôn dao động ở mức 180-250, bầu không khí hiện tại ở Thủ đô đang được  đánh giá là không an toàn và cực kỳ không an toàn. 

Đến sáng 1/10/2019, tình hình ô nhiễm chẳng những không giảm bớt mà  còn có  xu  hướng trầm trọng thêm. Trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 9h, thời điểm mà rất nhiều người dân ra đường để đi làm, chỉ số AQI của Hà Nội trên trang AirVisual đã đạt con số kỷ lục 320. Ghi nhận tại vùng ngoại thành Hà Nội chiều 1/10, trên con đường Vân Trì, liên xã Vĩnh Ngọc và Vân Nội (Đông Anh) người dân đã gặt lúa xong. Số rơm rạ sau khi   gặt xong được bỏ không ngoài đồng chờ khô rồi đốt. Bà Hoa (thôn Vân Nội) cho biết, để rạ tươi đốt thì khói, phơi khô đốt thì 10 phút là hết. Nhà bà Hoa có ruộng rau muống ngay cạnh ruộng lúa nên việc đốt tro thuận tiện và đỡ phải mua tro tốn kém. 

Được biết, trước đây, gặt xong người dân thường mang rơm rạ về sân nhà đánh đống để trâu,  bò  ăn;  ủ  phân,  hoặc  làm  chất  đốt. Tuy nhiên, hiện nay việc đồng áng cày cấy đã sử dụng máy móc, và nhà nông không còn nhu cầu sử dụng rơm rạ nữa. Theo một lãnh đạo xã Vân Nội, vài năm trở lại đây, tình trạng đốt rơm rạ đã giảm bớt rất nhiều. Xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rơm rạ. Một yếu tố gây ô nhiễm môi trường nữa là đốt than tổ ong như tại các phường Bạch Đằng, Lương Yên (quận Hai Bà Trưng); Phúc Tân, Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm),… 

Đặc biệt tại các nhà hàng, tỷ lệ dùng bếp than vẫn rất nhiều. Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường, Hà Nội có hơn 55.000 bếp than tổ ong, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ 528 tấn than tổ ong, phát thải 1870 tấn khí CO2 vào không khí. Tính đến tháng 7 năm 2019 thành phố Hà Nội có đến 700.000 ô tô và 5 triệu xe máy cá nhân và nhiều xe ô tô cá nhân không được đăng ký theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã làm cho thành phố càng bị ô nhiễm. 

Chỉ số ô nhiễm không khí của thủ đô liên tục ở ngưỡng cao, gây hại cho sức khỏe con người. Không khí ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Một tuần nay, chị Trịnh Thị Bắc  (chung  cư  cao  cấp  ở  phường  Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) không cho con gái 3 tuổi đến trường. Chị cũng như hàng nghìn người dân thủ đô đang thấp thỏm, lo lắng vì ô nhiễm luôn ở mức cao báo động. Chị Bắc kể: “Mấy tuần nay cứ ra đường hay cần đi đâu gia đình đều gọi ô tô để di chuyển. Nếu phải đi bộ cũng dùng khẩu trang có than hoạt tính hoặc khử bụi mịn”. Gia đình chị cũng mua máy lọc không khí để giảm ô nhiễm trong nhà. Cùng chung cư này, nhiều cư dân đã tự tìm cách để gia đình nhỏ chống chọi với ô nhiễm không khí bằng cách hạn chế ra khỏi nhà, đóng kín cửa ngày đêm. 

Anh Thông (40 tuổi) cho biết, không cần phải theo dõi chỉ số gì cao siêu, cứ mở  cửa  sổ  ra  mỗi  sáng  là  có  thể  thấy  màn sương bụi màu trắng đục bao quanh các tòa nhà. Do tòa nhà có hệ thống lấy gió tươi từ tầng thượng, tới đây nhiều cư dân sẽ kiến nghị cắt giảm hệ thống này để tránh bụi vào hành lang chung cư. “Tất cả cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài tôi mong muốn đưa con cái đi nơi khác sinh sống”, anh Thông chia sẻ. 

Ghi nhận tại các tuyến đường lớn vào giờ cao điểm ngày 1/10, bụi trắng trời làm hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông. Người dân có thể cảm nhận rõ lớp sương bụi dày đặc khi nhìn lên các tòa nhà cao tầng. Đa số người đi xe máy đều sẵn sàng khẩu trang, kính, áo chống nắng… nhưng không mấy tác dụng. Chị Nguyễn Ngọc Diệp (khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình) cho biết, mỗi lần đi xe máy ra đường, chị đều có cảm giác cay mắt, hắt hơi, sổ mũi. Chưa kể, người lớn trẻ nhỏ trong nhà liên tục nhiễm các bệnh liên quan hô hấp với biểu hiện ho nhiều, đau họng, khó thở. Buổi sáng thức dậy lên sân thượng tập thể dục hay ra công viên chạy bộ, nhiều người cảm thấy ngột ngạt. Nhiều người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ khó ngủ hơn, thậm chí tức ngực khi ra đường. Có thông tin cảnh báo ô nhiễm không khí tại thủ đô ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Thông tin đó cần tiếp tục được các chuyên gia phân tích, nhưng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là có thật, nguyên nhân được chỉ ra là: Mật độ dân cư ngày càng tăng cơ học, kéo theo lượng ô tô, xe máy tăng chóng mặt; trong khi đó hạ tầng quá tải, tắc đường triền miên và ngày càng trầm trọng. Chưa kể những năm qua, số lượng và tốc độ dự án xây dựng hạ tầng, đô thị, chung cư tăng rất nhanh từ nội thành đến ngoại ô, trải dài bao quanh vành đai 3, biến Hà Nội thành một đại công trường. Tất nhiên, ô nhiễm do các đại công trường này không được kiểm soát tốt. Cùng đó, khí thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất  tại nội đô, người dân đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành, các tỉnh lân cận cũng góp phần làm không khí thêm ô nhiễm. 

Bị ảnh hưởng nhiều nhất và trước tiên là người nghèo, người không có điều kiện làm việc trong văn phòng. Nhưng nhìn sâu, sự tác động của ô nhiễm không khí chẳng từ một ai, vậy giảm tác hại bằng cách nào? Trong  báo  cáo  chất  lượng  không  khí  năm 2018, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) khuyến cáo, để hạn chế tác hại ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe, cần lựa chọn khẩu trang, máy lọc không khí phù hợp. Đồng thời, mỗi người dân cần có ý thức để bảo vệ môi trường. Người dân có thể theo dõi chất lượng không khí hàng ngày trên các trang mạng hanoi.gov.vn (của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), PAM Air, Airnet.vn, aqicn của Đại sứ quán Mỹ. Cùng với các gam màu xanh, vàng, cam, đỏ, tím, nâu phản ánh chất lượng không khí sẽ có khuyến cáo đi cùng. GreenID cho hay, để đảm bảo khẩu trang đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, với sản phẩm theo tiêu chuẩn Mỹ, cần kiểm tra đầy đủ thông tin có trên bao bì như: NIOSH, tên nhà sản xuất, loại tiêu chuẩn (N95, N99 hay N100). Với khẩu trang tiêu chuẩn Châu Âu (CE), cần kiểm tra đầy đủ thông tin trên bao bì như dấu “CE”, tên nhà sản xuất, chứng nhận EN149:2001 và loại  tiêu  chuẩn  (FFP2,  FFP3).  Nếu  làm  việc trong môi trường có nhiều khí độc, hãy sử dụng khẩu trang N100 hoặc FFP3, có khả năng lọc cả bụi PM1 và khí gây hại. 

Giáo dục và tiến tới cấm người dân không được  đốt  rơm  rạ  ngoài  đồng  gây  khói  bụi  ô nhiễm thành phố. Rơm rạ có thể dùng làm thức ăn nuôi trâu bò hay làm phân hữu cơ. Hạn chế sử dụng than tổ ong ở nội đô. Ngoài ra một số loại cây cảnh có khả năng lọc khí độc rong nhà được NASA phát hiện gồm cây lưỡi hổ, tuyết tùng, lan ý, dương xỉ, thường xuyên, trầu bà, nha đam, cây cọ, cây si… Một trong những cách hiệu quả để duy trì chất lượng không khí trong nhà ở mức tốt là sử dụng máy lọc không khí. GreenID khuyến cáo, người dân cần cân nhắc khi mua máy lọc như mục đích (chủ yếu lọc bụi hay khử mùi) chất lượng màng lọc của thiết bị chọn mua, chi phí và khả năng mua màng lọc thay thế sau 1 năm sử dụng.  Ngoài  ra,  phần  lớn  các  loại  điều  hòa không khí đời mới có bộ phận lọc có thể giúp cải thiện một phần chất lượng không khí, quạt gió của điều hòa có thể giúp lưu thông không khí trong phòng. Vì vậy, mặc dù không bắt buộc, nhưng sử dụng điều hòa có thể giúp làm tăng hiệu quả lọc khí. Sử  dụng  giao  thông  công  cộng  góp  phần giảm phát thải các chất gây ô nhiễm từ phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài ra, trong những ngày chất lượng không khí kém, di chuyển bằng phương tiện công cộng có thể phần nào giúp hạn chế tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe so với di chuyển bằng xe máy. 

Để giảm thiểu ô nhiễm, người dân có quyền hy vọng chính quyền thành phố sẽ làm tốt hơn những việc sau: Trồng thêm cây xanh; giảm áp lực dân cư nội đô, hoàn thiện hạ tầng giao thông để giảm ô nhiễm, khói bụi; hiện thực hóa việc chuyển cơ sở sản xuất  ô nhiễm, trường học, bệnh viện ra ngoài; xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, thường  xuyên cập nhập thông tin tới người dân; kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm. 

Năm 1972, Nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đưa ra giả thuyết hiệu ứng cánh bướm: Liệu một con bướm đập cánh trong rừng Amazon ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas? Và ông chứng minh rằng, cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra sự thay đổi (dù rất nhỏ), dẫn đến kết quả là những thay đổi lớn về thời tiết, như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh hàng vạn km. Nói cách khác, cái đập cánh của con bướm nhỏ kia, có thể gây bão ở một nơi nào đó trên trái đất. Cũng vậy, gây ô nhiễm hay giữ môi trường trong lành tùy thuộc vào mỗi hành động dù nhỏ của chúng ta. Không thể nói một hành vi xả rác bừa bãi, đốt một điếu thuốc, ăn một bữa tiệc xa xỉ,… mà không làm ảnh hưởng đến môi trường. Giữ cho bầu trời mãi trong xanh, phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm và hành động của chính chúng ta.