Trang chủ / Tin tức chung / Giải pháp nào cho xử lý chất thải rắn ở Hà Nội?

Giải pháp nào cho xử lý chất thải rắn ở Hà Nội?

PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN 30/04/2020

Chúng ta thường nói, rác là tài nguyên để sai chỗ. Nếu chúng ta biết sử dụng hợp lý, biết phân rác tại nguồn, thì một phần rác hữu cơ có thể chế biến thành phân hữu cơ, các thành phần khác có thể dùng cho tái chế, phần lớn của rác có thể dùng để đốt và phát điện.

What is the solution for solid waste treatment in Hanoi?

 PGS TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN
Nguyên Giám đốc Sở KHCNMT Hà Nội

Chúng ta thường nói, rác là tài nguyên để sai chỗ. Nếu chúng ta biết sử dụng hợp lý, biết phân rác tại nguồn, thì một phần rác hữu cơ có thể chế biến thành phân hữu cơ, các thành phần khác có thể dùng cho tái chế, phần lớn của rác có thể dùng để đốt và phát điện. Hiện nay công nghệ chúng ta thường dùng là công nghệ chôn lấp. Công nghệ này có ưu điểm là thuận lợi, không phức tạp nhưng làm được không phải đơn giản vì muốn đảm bảo an toàn môi trường. Công nghệ chôn lấp phải có lớp lót đáy, các lớp chôn phải được phủ vôi bột hoặc lớp đất. Nước rác phải được thu gom tập trung để xử lý trước khi thải ra môi trường. Khí gas do rác phân hủy tạo ra cũng phải được thu gom tập trung để đốt phát điện hay dùng cho nhiều việc khác để giải quyết năng lượng. Nhưng trên thực tế, các bãi rác gọi là “chôn hợp vệ sinh” của chúng ta không đạt được yêu cầu kỹ thuật, nên người dân nơi nào cũng e ngại tiếp nhận bãi rác về địa phương mình. Vì họ cho rằng rác đến đâu thì ruồi muỗi, mùi hôi thối và bụi bặm theo đến đó. 

Thấu hiểu được điều đó, lãnh đạo thành phố cùng các nhà chuyên môn đã cân nhắc kỹ và chọn được quy hoạch xử lý rác cho thành phố Hà Nội. Đáng kể đến đầu tiên là khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) có diện tích 83,5 ha (mở rộng đến năm 2020 là 157 ha; năm 2030 là 257 ha, năm 2050 là 280 ha, công suất đến năm 2030 khoảng 6.000 tấn/ngày) hiện đang là “túi rác” chính của Hà Nội. 

Những nhà khoa học cho rằng, quy hoạch như vậy là rất hợp lý. Vì họ tập trung vào một khu vực gần rừng núi, cách xa trung tâm thủ đô, cách xa khu dân cư đông đúc. Nhưng để nhận được sự đồng tình của dân, trong những năm 90 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân, chúng tôi tuần nào cũng phải giao ban để giải quyết vấn đề bãi chôn lấp, gồm có các ban-ngành thành phố như Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chính và lãnh đạo huyện Sóc Sơn và Urenco Hà Nội. Tôi cho công tác vận động quần chúng để họ hiểu rằng giải quyết rác thải cũng là trách nhiệm của toàn dân, ai cũng phải góp phần trách nhiệm. Ai cũng muốn vệ sinh sạch sẽ nhưng nếu không tham gia góp sức, ai cũng từ chối vì lợi ích của mình, thì làm sao có được môi trường trong sạch được. 

Hiện nay, ngoài Urenco đang vận hành dự án khu liên hợp xử lý chất thải giai đoạn 1 (83,5 ha) và giai đoạn 2 (73,73 ha); dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt 2.000 tấn/ngày được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT (15 ha) do Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện đang trong giai đoạn đầu tư; dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao tại xã Bắc Sơn theo hình thức PPP chưa thực hiện; dự án hoàn thiện khu liên hiệp xử lý chất thải tập trung tại Sóc Sơn cũng chưa được thực hiện. Riêng dự án nhà máy điện rác  Sóc Sơn công suất 4000 tấn/ngày do Công ty CP năng lượng môi trường Thiên Ý làm chủ đầu tư hiện đang triển khai và nhà đầu tư cam kết hoàn thành vào tháng 10/2020. “Túi rác” lớn thứ 2 của Hà Nội là khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì). Ngoài Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây và Xuân Sơn đang vận hành thì nhà máy xử lý rác 500 tấn/ngày do Công ty Indovinpower làm chủ đầu tư đang ở trạng thái “chưa góp vốn, chưa ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, chưa thực hiện bổ sung quy hoạch điện lực, đã tạm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai khảo sát, tính toán và lập hồ sơ thiết kế”. Nhà máy xử lý  rác công suất 1.500 tấn/ngày do Tập đoàn HitachiZonsen hợp tác với Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư cũng gần như trong tình trạng tương tự (mới đang thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch điện lực). Khu xử lý chất thải rắn Hợp Thanh (xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức) chưa được sự đồng thuận của nhân dân nên huyện đề xuất thay đổi vị trí, nhưng nhà đầu tư đề xuất không tiếp tục tham gia. 

Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, nhân dân các xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) đã cắm trại ngăn không cho xe vào bãi rác làm cho thành phố ngập trong rác. Để giải quyết tồn tại do xử lý rác hiện nay, việc tháo gỡ tạm thời, cụ thể ngoài vệc được bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định, thành phố cho phép UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đ/m2. Đối với các trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 400 m2 trở lên sẽ được đền bù theo đúng giấy chứng nhận. Với phần diện tích đất vượt hạn mức, UBND thành phố giao thanh tra thành phố thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, quy trình cấp giấy chứng nhận trước đây. Nếu việc cấp giấy chứng nhận đã thực hiện đúng quy định thì chi trả nốt, nếu không đúng quy định thì phải xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành. Việc thanh tra, rà soát phải hoàn thành trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc. Với việc người dân không đồng tình vì giá đất tại các khu tái định cư quá cao, tại cuộc họp ngày 5/7  liên  ngành  thành  phố  (sở  TN-MT,  Sở  Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Sóc Sơn) đã thống nhất xác định giá thu tiền sử dụng đất tái định cư theo vị trí 4 đường 35 là 2,7 triệu đồng/m2. Những hộ dân không có nhu cầu tái định cư tại khu vực được bố trí  có thể nhận tiền tương đương 1.957.508 đồng/m2. UBND thành phố giao huyện Sóc Sơn khẩn trương thực hiện, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng. UBND thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh “trường hợp đã tuyên truyền, vận động nhưng các hộ vẫn cố tình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn có các biện pháp hành chính để xử lý nghiêm minh, báo cáo Công an thành phố để thống nhất phương án và lực lượng hỗ trợ bảo vệ, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện”. 

Sau khi nhận được văn bản hỏa tốc của thành phố về chính sách đền bù tái định cư, tối 5/7, người dân Sóc Sơn đã nhổ lán trại, giải tán để xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn bình  thường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tháo gỡ tạm thời, chưa phải là lời giải cho “khủng hoảng” của bãi rác Nam Sơn, càng chưa phải là lời giải cho bài toán rác thải của Hà Nội.  Cuối năm 2018, khi làm việc với Sở Xây dựng, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã tỏ ra vô cùng sốt ruột với các dự án xử lý rác chậm tiến độ của Hà Nội và nhấn mạnh thành phố “không còn đường lùi”. Theo báo cáo giám sát cuối tháng 6 vừa qua của HĐND thành phố, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây khoảng 3500 tấn/ngày và địa bàn 17 huyện ngoại thành Hà Nội khoảng 3000 tấn/ngày, cơ bản được vận chuyển để xử lý. Tuy nhiên, rác thải của Hà Nội hiện nay được chôn lấp đến 89 %, hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao và đây chinh là nguồn cơn của nỗi nhức đầu vì rác. Trong 6.500 tấn rác Hà Nội thải ra mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn “hứng” tới 4.500 - 4.700 tấn, nên chỉ cần bãi rác này ‘hắt xì” là cả Hà Nội “sổ mũi”. 

Một lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận, việc chỉ đốt được 10 % rác của địa bàn thành phố là quá ít, khiến vấn đề rác thải của Hà Nội luôn bức xúc. Đáng kể hơn là cả 2 bãi rác chủ lực là Nam Sơn và Xuân Sơn đều đã hoạt động nhiều năm, sắp hết khả năng tiếp nhận rác. Vị này cũng thừa nhận, thành phố Hà Nội cần có giải pháp căn cơ về xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian tới. Lâu dài, Hà Nội cần có chiến lược xử lý rác thải sinh hoạt rõ ràng, lâu dài và bền vững. Phải khẩn trương có công nghệ mới thân thiện với môi trường như đốt rác kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, giảm tỷ lệ chôn lấp. 

 Quan điểm là phải coi rác thải là tài nguyên. Hậu quả của chôn lấp rác là lãng phí tài nguyên, gây tốn kém quỹ đất. Nước rỉ rác không xử lý tốt sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm”. Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội cũng đưa ra dự báo đến năm 2020, nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi. Các công ty môi trường được giao nhiệm vụ phải hợp tác với các địa phương tổ chức tốt công tác thu gom rác, phải phạt nặng việc đổ trộm rác ra đường phố hoặc kênh mương. Công ty môi trường phải luôn đổi mới công nghệ, không để khói bụi hay nước rác gây ô nhiễm môi trường. Các cán bộ môi trường phải đặt mình vào vị trí của dân ở vùng bị ô nhiễm xem có chịu được không, để ra sức làm tốt công tác quản lý và phải có các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các đầu tư xử lý môi trường phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, không để triển khai nửa chừng phải dừng vì do công nghệ lạc hậu. Các dự án phải được thẩm định cẩn thận, khi đã nhận được phép đầu tư, không chậm trễ tiến độ, tránh gây khó khăn cho địa phương và thành phố. Không để thành phố mắc kẹt trong rác nếu các dự án chậm tiến độ. Nhưng “đen đủi” và cũng đáng buồn cho Hà Nội là các dự án đốt rác của thành phố đều trong trạng thái chậm tiến độ hoặc đưa vào vận hành thì trục trặc vì công nghệ cũ. Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải không ít lần “kêu trời” vì những dự án như Phương Đình, thành phố đợi mấy năm, hy vọng nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải tỏa được rác thì chỉ sau một thời gian ngắn nhà máy xin … ngưng nhận rác vì thường xuyên trục trặc do công nghệ cũ. Trong trường hợp này, rủi ro của nhà đầu tư trở thành rủi ro của Hà Nội. Phương Đình lại không phải dự án duy nhất mắc kẹt kiểu đó. Một số dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tiến dộ triển khai chậm (Châu Can, Đông Lỗ, Hợp Thanh, Lại Thượng). Một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh đã đầy và đóng cửa (Đông Lỗ, Vân Đình, Yến Vĩ, Cao Dương, Kiêu Kỵ). 

Theo Trưởng ban đô thị của HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, hiện Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án sử dụng công nghệ hiện đại như dự án điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngày đêm, dự án khí hóa rác thải thành điện năng công suất 500 tấn/ngày đêm, dự án nhà máy khu xử lý chất thỉ Đồng Kế công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Đây là toàn bộ trông đợi của thủ đô, nếu các dự án này cũng chậm tiến độ thì Hà Nội sẽ chính thức mắc kẹt trong rác. Các địa phương phải có hướng dẫn và lãnh đạo nhân dân cùng chung trách nhiệm với thành phố. Nếu phát hiện ô nhiễm phải kịp thời phản ánh bàn bạc với chủ đầu tư, lãnh đạo địa phương và thành phố cùng giải quyết, hạn chế việc cắm trại bao vây không cho xe vào địa điểm xử lý rác.