Giải pháp bảo vệ môi trường của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2030
TS NGHIÊM GIA, KS BÙI HUY TUẤN 17/07/2018
Trong quá trình sản xuất gang, thép trên thế giới và Việt Nam phải sử dụng khối lượng lớn quặng sắt, than cốc, nguyên liệu trợ dung (đá vôi, đôlômit,...) và sắt thép phế nên đã phát sinh lượng chất thải khá lớn (gồm khí bụi thải, chất thải rắn và nước thải). Vì thế các chất thải này cần phải được kiểm soát để có thể tái sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gang và thép cho các doanh nghiệp (DN) và góp phần bảo vệ môi trường (BVMT).
Environmental protection solutions of Vietnam steel industry in the period 2018-2030
TS NGHIÊM GIA1, KS BÙI HUY TUẤN2
1 Hội KHKT Đúc-Luyện kim Việt Nam
2 TCTy Thép Việt Nam-CTCP (VNSTEEL)
Email: nghiemgia53@gmail.com
Trong quá trình sản xuất gang, thép trên thế giới và Việt Nam phải sử dụng khối lượng lớn quặng sắt, than cốc, nguyên liệu trợ dung (đá vôi, đôlômit,...) và sắt thép phế nên đã phát sinh lượng chất thải khá lớn (gồm khí bụi thải, chất thải rắn và nước thải). Vì thế các chất thải này cần phải được kiểm soát để có thể tái sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gang và thép cho các doanh nghiệp (DN) và góp phần bảo vệ môi trường (BVMT). Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về BVMT trong hoạt động sản xuất và kinh doanh nên các DN của ngành thép Việt Nam đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động BVMT một cách cụ thể và có hiệu quả. Song do một số DN sản xuất thép không thực hiện BVMT triệt để nên đã gây tác động đến môi trường. Đặc biệt là sự cố môi trường biển do Tập đoàn Thép FORMSA gây ra tại Hà Tĩnh và 3 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn cho xã hội và trở thành vấn đề bức xúc trong cộng đồng, khiến cho dư luận “quay lưng” với các DN sản xuất gang, thép. Vì vậy, việc xây dựng “Chiến lược BVMT ngành thép Việt Nam” và triển khai thực hiện là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam [1,2].
1. CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG “CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA NGÀNH THÉP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2018-2030, TẦM NHÌN 2035”
Sản xuất gang, thép là ngành công nghiệp nặng tiềm ẩn và chứa đựng các yếu tố nặng nhọc và độc hại. Quá trình sản xuất gang, phôi thép và cán thép phải qua nhiều công đoạn (CĐ), sử dụng quặng sắt, than cốc, nguyên liệu trợ dung (đá vôi, đôlômit...), sắt thép phế và một số loại hoá chất với khối lượng lớn. Tại mỗi CĐ nêu trong hình 1 đều phát ra các chất thải (rắn, khí, bụi và nước thải) gây ô nhiễm môi trường nếu không được thu gom và xử lý [3,4]. Theo số liệu thống kê, trong CĐ luyện gang lò cao đã thải ra một luợng lớn xỉ gang (khoảng 0,390 tấn xỉ gang/tấn gang lỏng) và CĐ luyện thép (bằng lò chuyển và lò điện hồ quang) cũng đã thải ra một luợng xỉ thép khá lớn (0,150 tấn xỉ thép/tấn thép lỏng). Vì thế, nhiều tập đoàn thép lớn trên thế giới (Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, ...) đã nghiên cứu tái chế xỉ gang/xỉ thép để sử dụng sản xuất xi măng, vật liệu làm đường giao thông và một số ngành công nghiệp khác. Kết quả và kinh nghiệm này sẽ giúp chúng ta có tư duy mới và kế hoạch hành động để đảm bảo phát triển sản xuất gắn với BVMT một cách bền vững của ngành công nghiệp nói chung và ngành thép Việt Nam nói riêng trong thời kỳ hội nhập quốc tế [2].
Quá trình phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đòi hỏi mỗi DN trong ngành thép Việt Nam phải có tư duy mới và hành động tích cực để tìm hướng đi thích hợp cho DN nhằm đảm bảo quá trình phát triển sản xuất và BVMT một cách bền vững. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về BVMT nhằm đưa Luật BVMT thực thi có hiệu quả trong cuộc sống. Ngoài việc chỉ đạo xây dựng và triển khai “Chiến lược bảo vệ môi trường” trên quy mô toàn quốc, chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải xây dựng chiến lược BVMT. Theo đó, Bộ Công-Thương đã xây dựng “Chiến lược BVMT ngành công-thương” và đã ban hành “Quy chế Bảo vệ môi trường ngành công-thương” theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về BVMT trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, nên các DN của ngành thép Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động BVMT một cách cụ thể và đạt được kết quả đáng kể: i) Môi trường đất tại các mỏ khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) được phục hồi và cải thiện; ii) Không để xảy ra sự cố nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường do khí và bụi thải trong sản xuất gang, thép; iii) Môi trường sống và làm việc của các DN được nâng cao, bệnh nghề nghiệp đã giảm mạnh,...
Song vẫn còn nhiều tồn tại mà ngành thép Việt Nam cần phải giải quyết, đó là: i) Nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường (làm thay đổi địa hình và cảnh quan) do hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến TNKS; ii) Ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, khí, bụi và nước thải trong sản xuất gang, thép chưa được kiểm soát và ngăn chặn triệt để; iii) Việc tái chế và sử dụng chất thải rắn (xỉ gang/xỉ thép) chưa được chú trọng; trang thiết bị về BVMT của một số DN còn lạc hậu, nguồn lực BVMT hạn chế; iv) Nhận thức về BVMT chưa được nâng cao. Năng lực quản lý về BVMT của các DN chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại và tương lại; v) Đến thời điểm hiện nay ngành thép Việt Nam chưa xây dựng và phê duyệt “Chiến lược BVMT ngành thép Việt Nam” là công cụ BVMT một cách hữu hiệu theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công-Thương trên quy mô toàn quốc.
Những tồn tại nêu trên của một số DN ngành thép đã gây ô nhiễm môi trường nước và không khí. Có nơi ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề bức xúc trong cộng đồng. Sự cố trượt lở bãi thải số 3 tại mỏ than Phấn Mễ (thuộc TISCO) gây thiệt hại lớn cho DN. Đặc biệt là sự cố môi trường biển do Tập đoàn Thép FORMSA gây ra tại Hà Tĩnh và 3 tỉnh miền Trung đã gây tác động lớn cho xã hội trong năm 2016. Ngoài các thiệt hại do Tập đoàn Thép FORMSA gây ra về kinh tế, thiệt lớn nhất là dư luận xã hội đã quay lưng lại với ngành thép khiến cho việc đầu tư mới các dự án khai thác mỏ khoáng sản (phục vụ cho ngành thép) và nhiều dự án đầu tư nhà máy sản xuất thép ở nhiều tỉnh rất khó khăn. Vì thế, để góp phần hoàn thành mục tiêu “Chiến lược BVMT ngành công nghiệp Việt Nam” việc xây dựng và triển khai “Chiến lược BVMT của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2030, tầm nhìn 2035” (gọi tắt: “Chiến lược BVMT ngành thép”) là một yêu cầu tất yếu và cần thiết của ngành thép Việt Nam [1].
Do khuôn khổ có hạn, dưới đây chỉ xin nêu tóm tắt một số nội dung cơ bản cần thực hiện trong quá trình xây dựng “Chiến lược BVMT ngành thép”.
2. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG BVMT CỦA NGÀNH THÉP VIỆT NAM 2010-2017
2.1. Đánh giá tác động môi trường do HĐKS của ngành thép Việt Nam
Hoạt động thăm dò, khai thác, tuyển và chế biến TNKS (gọi tắt là HĐKS) cho nhu cầu sản xuất gang, thép là một khâu quan trọng và không thể thiếu trong quá trình hoạt động của các DN của ngành thép Việt Nam. Do hầu hết các mỏ TNKS của Việt Nam đều phân bố ở vùng thượng nguồn sông và suối nên khả năng gây ô nhiễm nguồn nước do quá trình khai thác và tuyển tại các mỏ ở thượng nguồn xuống hạ lưu các sông rất lớn. Quá trình HĐKS đã làm cạn kiệt dần TNKS và có những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội như sau: i) Làm biến đổi địa hình, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái; ii) Gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và hệ sinh thái động, thực vât; iii) Làm thay đổi bề mặt và cấu trúc đất đá nên gây sự cố trượt lở đất và lũ cuốn; iv) Tác động tới sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế khi xây dựng “Chiến lược BVMT ngành thép” chúng ta cần phải tiến hành khảo sát đánh giá tác động của HĐKS tới môi trường một cách đầy đủ và khoa học để làm căn cứ đề xuất giải pháp BVMT một cách hữu hiệu nhất.
2.2. Đánh giá tác động môi trường do quá trình sản xuất gang, thép
Sơ đồ tổng hợp quá trình sản xuất từ khai thác TNKS, luyện gang, luyện thép và cán thép được nêu ở hình 1 cho thấy tuỳ thuộc vào công nghệ và thiết bị sản xuất sẽ gây tác động tới môi trường với mức độ khác nhau. Nguồn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất gang, thép bao gồm: i) Nước thải phát sinh từ nguồn nước làm mát thiết bị và sản phẩm. Khi thải ra chúng có một số khoáng chất, dầu, mỡ dư thừa, cặn bụi, ô xít sắt và các kim loại nặng khác là tác nhân gây ô nhiễm. Nước dùng để pha chế các loại hoá chất để tẩy, rửa kim loại, sơn mạ màu... khi thải ra có chứa hoá chất dư thừa nên khả năng gây ô nhiễm nước ở công đoạn này cao hơn các công đoạn khác; ii) Khí và bụi thải phát sinh trong quá trình luyện gang, sản xuất phôi thép và cán thép. Các khí và bụi ở công đoạn này sẽ phát tán ra môi trường gây ô nhiễm bầu không khí; iii) Chất thải rắn phát sinh ở tất các công đoạn.
Hiện nay ở Việt Nam, ngoài VNSTEEL và Tập đoàn Thép Hòa Phát, còn có hàng trăm DN sản xuất gang thép thuộc các thành phần kinh tế trong nước và các DN 100 % vốn nước ngoài. Thống kê sơ bộ, cả nước có trên 300 DN nhỏ và vừa sản xuất thép, gang (chiếm gần 30 % tổng sản lượng gang thép sản xuất tại Việt Nam). Loại hình DN nghiệp này đã góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm cho xã hội. Song do đầu tư nhỏ lẻ nên hầu hết các DN nghiệp này chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt là môi trường tại các làng nghề và các xí nghiệp nhỏ lẻ thường bị ô nhiễm nghiêm trọng). Để có căn cứ khoa học khi xây dựng “Chiến lược BVMT ngành thép”, cần tập trung đánh giá tác động môi trường do chất thải rắn, nước thải, do khí và bụi thải trong quá trình sản xuất gang thép của các DN trong ngành thép một cách toàn diện và đầy đủ. Trong đó nên tập trung khảo sát và đánh giá thực trạng môi trường của một số DN trọng điểm (VNSTEEL, Thép Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Thép Việt Nhật, Thép Việt Ý, ...) để có thể đưa những kết luận đầy đủ và khách quan. Ngoài ra, khi xây dựng “Chiến lược BVMT ngành thép” cần phải rà soát tổng quan hệ thống văn bản pháp luật BVMT của Việt Nam liên quan đến ngành thép Việt Nam như thế nào để có những kiến nghị với cấp thẩm quyền về các vấn đề bất cập gây khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất.
3. VỀ NỘI DUNG CỦA “CHIẾN LƯỢC BVMT NGÀNH THÉP”
3.1. Mục tiêu của “Chiến lược BVMT ngành thép”
Từ phân tích nêu trên, khi xây dựng “Chiến lược BVMT ngành thép” cần đặt ra mục tiêu tổng thể phải hướng tới là:
- Xây dựng ngành sản xuất thép hiện đại ngang tầm các nước trên Thế giới và khu vực, phát huy nội lực để tạo động lực cho hội nhập và phát triển.
- Tiếp cận các công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường trong các dự án đầu tư sản xuất gang, thép (đặc biệt đối với những dự án đầu tư liên hợp sản xuất thép có quy mô lớn ở các vùng biển và đông dân cư). Áp dụng “Quy trình sản xuất sạch hơn (SXSH)” và “Công nghệ sản xuất thép ít tiêu tốn vật tư, nguyên-nhiên liệu” đối với các doanh nghiệp sản xuất thép đang hoạt động và dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp.
- Lấy việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải, quản lý chất thải, kết hợp với biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây sự cố môi trường và ô nhiễm môi trường.
3.2. Về nội dung của “Chiến lược BVMT ngành Thép”
Yêu cầu nội dung của “Chiến lược BVMT ngành thép” phải có tính khả thi cao và không trái với “Quy chế BVMT của ngành công-thương” và các văn bản pháp luật về BVMT đã ban hành. Trên nguyên tắc đó, nội dung và kết cấu “Chiến lược BVMT ngành thép” cần phải có các chương và điều được quy định cụ thể để các DN dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao trong BVMT. Từ kết quả nghiên cứu [3], nhóm chuyên gia ngành thép Việt Nam đã đề xuất với Hội đồng nghiệm thu Bộ Công-Thương chấp thuận nội dung “Chiến lược BVMT ngành thép” bao gồm và không giới hạn các chương mục chính sau đây:
Chương 1. Những quy định chung: Chương này bao gồm và không giới hạn các điều khoản quy định về: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Giải thích thuật ngữ và các chữ viết tắt,...
Chương 2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp (DN) trong ngành thép Việt Nam: Chương này bao gồm và không giới hạn các điều quy định về: Trách nhiệm BVMT của tất cả các DN, Quy định chế độ lập và nộp các báo cáo về BVMT theo quy định cho cơ quan quản lý các cấp,...
Chương 3. Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường của các doanh nghiệp trong ngành thép Việt Nam: Chương này bao gồm và không giới hạn các điều quy định về: Biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất của các DN; Biện pháp khuyến khích việc tái sử dụng nước thải, bụi thải và chất thải rắn đã qua xử lý; Quy định việc kiểm soát và BVMT khi kết thúc hoạt động sản xuất...; Quy định cụ thể việc khắc phục ô nhiễm và sự cố MT; Quy định chi tiết việc trích lập, quản lý quỹ BVMT của ngành thép Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan của pháp luật;...
Chương 4. Kiểm tra, khen thường và xử lý vi phạm về BVMT của ngành thép Việt Nam: Chương này bao gồm và không giới hạn các điều quy định về: Tổ chức và thực hiện công tác kiểm tra về BVMT trong các DN, Quy định trách nhiệm của các DN và đoàn kiểm tra môi trường đối với quyết định kiểm tra, Quy định về bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường, Quy định chế độ khen thưởng và kỷ luật, ...
Chương 5. Điều khoản thi hành: Chương này quy định về hiệu lực thực hiện và điều chỉnh “Chiến lược BVMT ngành thép” khi cần thiết,...
4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP BVMT CỦA NGÀNH THÉP VIỆT NAM CẦN THỰC HIỆN TRONG NĂM 2018-2019
Như đã phân tích ở trên, nhiệm vụ BVMT của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018-2030 đang đặt ra những thách thức lớn. Trong khi chờ đợi xây dựng, ban hành để triển khai “Chiến lược BVMT ngành thép”, chúng ta cần chủ động xem xét triển khai các giải pháp BVMT một cách đồng bộ cho các DN trong ngành thép Việt Nam phù hợp với hệ thống pháp lý về BVMT hiện hành [1,4].
Giải pháp 1 (GP1): Tiếp tục nâng cao nhận thức về BVMT - Đối với cán bộ lãnh đạo (CBLĐ) các DN cần phải nhận thức đầy đủ về BVMT đối với sự phát triển của ngành thép Việt Nam. Nếu CBLĐ nhận thức không đầy đủ sẽ có những quyết định không đúng về chiến lược BVMT. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để mọi người lao động hiểu và thực hiện pháp luật về BVMT. Cần làm cho các doanh nghiệp hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm về BVMT. - Các DN thuộc mọi thành phần của ngành thép Việt Nam đều phải có trách nhiệm triển khai và thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật liên quan về TNKS và BVMT đã ban hành.
Trong đó lưu ý các quy định về: Đánh giá tác động môi trường theo Nghị định số 18/215/NĐ-CP và Thông tư số27/2015/TT-BTNMT; Quy định về xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn theo Nghị định số38/2015/NĐ-CP và các quy chuẩn Việt Nam như QCVN52:2013/BTNMT về nước thải công nghiệp sản xuất thép, QCVN51:2013/BTNMT về khí thải công nghiệp sản xuất thép, ... - Tuyệt đối không chấp nhận phê duyệt những dự án đầu tư sản xuất gang, thép mới với công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ và không đảm bảo điều kiện môi trường. Đến 2020 phải có trang bị đủ hệ thống thiết bị kiểm soát mức độ gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất thép theo QCVN và ISO14000. - Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về BVMT ở các DN trong ngành thép Việt Nam. - Các DN phải tiếp tục kiện toàn tổ chức quản lý BVMT từ tập đoàn/TCTy xuống các đơn vị sản xuất kinh doanh trong hệ thống quản lý ngành thép.
Giải pháp thứ 2 (GP2): Đào tạo nguồn nhân lực cho BVMT - Củng cố và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý BVMT. Chú trọng tổ chức đào tạo mới và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật (CBKT) có chuyên môn liên quan đến BVMT của các đơn vị. - Hợp tác trong nước và ngoài nước về nghiên cứu KHCN và đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực chuyên môn về BVMT.
Giải pháp thứ 3 (GP3): Lựa chọn công nghệ, đầu tư chiều sâu và tăng cường nguồn tài chính cho nghiên cứu khoa học về HĐKS và BVMT - Lựa chọn và áp dụng công nghệ khai thác, chế biến và sản xuất thép tiên tiến và hiện đại. Chú trọng công nghệ "Sản xuất sạch hơn" tại một số đơn vị trọng điểm. - Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị nhằm bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Lấy việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải, hạn chế phát sinh gây tác động tiêu cực bằng việc sử dụng công nghệ ít tiêu tốn vật tư, nguyên nhiên liệu. Kết hợp với biện pháp xử lý cuối nguồn để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. - Huy động nguồn vốn xà hội để đầu tư một số dự án trọng điểm và có hiệu quả cao. Xây dựng danh mục các dự án chế biến sâu TNKS và sản xuất thép hợp kim chất lượng cao để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.
KẾT LUẬN
Thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế của đảng, trong thời gian qua ngành thép Việt Nam đã có mức tăng trưởng (10÷15) %/năm đáp ứng đủ nhu cầu sắt thép xây dựng cho toàn quốc. Song chúng ta đang phải đối mặt với thách thức về sự cạn kiệt dần một số TNKS và ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp gây nên. Kết quả nghiên cứu và thực tiễn đã đưa ra một số nhận định sau đây: i) Nguồn TNKS của Việt Nam không đủ đảm bảo cho ngành thép Việt Nam phát triển với quy mô lớn; ii) Thiết bị khai thác TNKS và sản xuất thép của nhiều DN chưa được đầu tư hiện đại. Hầu hết các DN tư nhân sản xuất gang thép chỉ trang bị máy móc, thiết bị, công nghệ cũ và lạc hậu. Tổ chức quản lý và điều hành sản xuất còn hạn chế; iii) Hệ thống tổ chức và quản lý về BVMT chưa phù hợp với nhu cầu phát triển trong giai đoạn 2016-2030; iv) Năng suất lao động và hiệu quả sản xuất thấp so với nhiều nước trong khu vực, môi trường bị ô nhiễm. Để BVMT một cách bền vững trong giai đoạn 2018-2030 ngành thép Việt Nam cần phải khẩn trương xây dựng và triển khai “Chiến lược BVMT ngành thép Việt Nam”. Trước mắt cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên và không nên coi nhẹ giải pháp nào vì các giải pháp đó có tính khả thi, thống nhất và đồng bộ cao./.
Từ khóa: Bảo vệ môi trường, ngành thép Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghiêm Gia và các cộng sự; Bảo vệ môi trường là yêu cầu tất yếu của ngành thép Việt Nam giai đoạn năm 2016-2030, Tạp chí MT, 2016
- Nguyễn Văn Sưa, Nghiêm Gia; Sử dụng xỉ gang và xỉ thép của thế giới – Bài học kinh nghiệm về BVMT cho ngành thép Việt Nam, Tạp chí MT, số 01, 2018
- Nghiêm Gia, Nguyễn Đức Vinh Nam và các cộng sự; Nghiên cứu xây dựng Quy chế bảo vệ môi trường của Tổng công ty Thép Việt Nam, Đề tài NCKH cấp bộ, Hà Nội 2009
- Nghiêm Gia và các cộng sự; Giải pháp Bảo vệ môi trường của ngành thép Việt Nam giai đoạn năm 2010-2020, định hướng đến năm 2025; Tạp chí CN, Hà Nội, 2009