Trang chủ / Tin tức chung / Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI (2013 - 2018) và phương hướng nhiệm kỳ VII của Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI (2013 - 2018) và phương hướng nhiệm kỳ VII của Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam

18/04/2018

Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam được thành lập ngày 5/4/1966, là một trong những Hội KHKT được thành lập đầu tiên ở Việt Nam. Tính tới nay hội đã trải qua 52 với 7 kỳ đại hội.

Report of the Congress of the VFMSTA: VI term’s activities (2008-2013) and VII term’s plan

 HỘI KHKT ĐÚC - LUYỆN KIM VIỆT NAM

Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam được thành lập ngày 5/4/1966, là một trong những Hội KHKT được thành lập đầu tiên ở Việt Nam. Tính tới nay hội đã trải qua 52 với 7 kỳ đại hội. Tên ban đầu là Hội Đúc - Luyện kim Việt Nam, tới đại hội 4 (25/6/2003) Hội đã đổi tên mới, là Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam, thông qua điều lệ mới trình Bộ Nội vụ phê chuẩn và công bố ngày 17/9/2003 thay cho điều lệ cũ. Chủ tịch hội đầu tiên là ông Trần Diệp, nguyên là Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim. Do diều kiện đất nước có chiến tranh nên hoạt động hội bị gián đoạn hơn 20 năm. 

Tới đại hội nhiệm kỳ 2 (1988 - 1994), chủ tịch hội là PGS TS Mai Kỷ, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Cơ khí - Luyện kim, sau là Phó Văn phòng Chính phủ. Nhiệm kỳ 3 (1994 - 2003), chủ tịch hội là ông Phan Tử Phùng. Nhiệm kỳ này kéo dài tới 7 năm mới đại hội vì trong nội bộ lãnh đạo hội có nhiều sai sót, Bộ Nội vụ, Bộ Công nghiệp và Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam đã phải trực tiếp chỉ đạo, tiến hành đại hội nhiệm kỳ 4 vào ngày 25/6/2003, bầu ban lãnh đạo mới của hội do ông Phạm Chí Cường, lúc đó là Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, làm Chủ tịch hội. Ở nhiệm kỳ đại hội 5 (2008 -2013) và nhiệm kỳ đại hội 6 (2013 - 2018) ông Phạm Chí Cường tiếp tục đảm nhiệm Chủ tịch Hội KHKT Đúc Luyện kim Việt Nam. Sau đây là báo cáo tổng kết các hoạt động của Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam trong nhiệm kỳ 6 (2013 - 2018).  

I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC 

Đại hội nhiệm kỳ 6 được tổ chức ngày 17/5/2013, đại hội đã bầu:

  • KS Phạm Chí Cường làm Chủ tịch hội
  • ThS Chu Đức Khải, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, (nguyên Vụ phó Vụ Khoa học & Công nghệ Bộ Công - Thương) làm Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký của hội
  • TS Nguyễn Văn Ban làm Trưởng ban Kiểm tra của hội
  • Thường vụ hội có 11 ủy viên

Cho tới nay, hội có 9 chi hội thành viên: tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tp.HCM, Nam Định, Đà Nẵng, Cần Thơ, chi hội Nhiệt luyện, và chi hội Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 6, các chi hội thành viên vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do những thay đổi trong cơ cấu sản xuất, kinh doanh và những biến đổi trong tổ chức, nhân sự nên một số chi hội gặp trở ngại trong hoạt động, thời gian tới cần phải chấn chỉnh và tìm lãnh đạo mới cho các chi hội này. Trong nhiệm kỳ đại hội 6, đã tiến hành 3 đại hội ở các chi hội thành viên là chi hội Đúc - Luyện kim Thành phố Thái Nguyên, chi hội Đúc - Luyện kim Tổng công ty Khoáng sản VN, chi hội Nhiệt luyện Các chi hội này đã bầu lại ban lãnh đạo mới và triển khai các hoạt động cho phù hợp với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức sản xuất, kinh doanh của đơn vị. 

Trong nhiệm kỳ đại hội 6, về mặt tổ chức, hội vẫn duy trì ổn định các mặt hoạt động, giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ, duy trì sinh hoạt đều đặn thường vụ hội để giải quyết các công việc của hội. Đặc biệt ở Hội trung ương và chi hội Đúc - Luyện kim Hà Nội đã tổ chức hội thảo thường niên vào dịp kỷ niệm ngày thành lập hội, lựa chọn các đề tài thời sự của ngành và các chuyên đề kỹ thuật để các chuyên gia trong ngành trình bày tại hội thảo. Các sinh hoạt chuyên đề này đã tập hợp được trí tuệ của các chuyên gia trong ngành, giúp cho các hội viên gắn bó với hội. Cũng tại hội thảo của chi hội Đúc - Luyện kim Hà Nội cuối năm 2017, kỷ niệm ngày giỗ tổ nghề đúc đồng, hội đã huy động được các nghệ nhân nghề đúc ở các làng nghề miền Bắc tham gia, làm cho buổi hội thảo đạt kết quả tốt đẹp.  

II. CÔNG TÁC TƯ VẤN PHẢN BIỆN VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 

Nhiệm kỳ 6 đã lấy công tác tư vấn phản biện và nghiên cứu khoa học - công nghệ là công tác trọng tâm của hoạt động hội, vì thế hội đã lựa chọn các chuyên đề khoa học - kỹ thuật và các chuyên đề quản lý của ngành được các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, để tập hợp đội ngũ các hội viên có trình độ hiểu biết sâu và tâm huyết với ngành tham gia nghiên cứu, biên soạn các tài liệu để trình bày ở các hội thảo chuyên đề do hội tổ chức. Tại các hội thảo chuyên đề, ngoài các chuyên gia trong ngành, hội còn mời các lãnh đạo bộ, các cơ quan quản lý khoa học tham dự và thảo luận đóng góp ý kiến. Những chuyên đề lớn đã được lựa chọn trình bày hội thảo trong nhiệm kỳ 6 là: 

1. Hội thảo về hiệu chỉnh quy hoạch phát triển gang - thép tới năm 2025 và tầm nhìn tới năm Hội đã có kiến nghị bằng văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công - Thương, Liên hiệp các Hội KHKT VN về những vấn đề chưa hợp lý trong bản dự thảo và ý kiến của các chuyên gia trong ngành để các cơ quan xem xét. 

2. Báo cáo của chuyên gia về đánh giá hiệu quả của dự án Bauxit Tây Nguyên và những vấn đề tồn tại của dự án. Đây là dự án kinh tế lớn, có tầm ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế của Việt Nam nên đã từng được đưa ra thảo luận ở hội thảo cấp nhà nước. Hiện tại 2 nhà máy Alumium Tân Rai và Nhân Cơ đang hoạt động và bước đầu đã đạt công suất thiết kế, tuy nhiên các ý kiến của chuyên gia cũng kiến nghị cần xem xét kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế của dự án và đặc biệt là quan tâm đến vấn đề an toàn bùn thải của nhà máy. 

3. Báo cáo về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Đây là mỏ sắt lớn nhất của Việt Nam với trữ lượng địa chất trên 500 triệu tấn, nằm sát biển và sâu trên 500 m so với mặt nước biển. Trước đây mỏ do Tổng công ty Thép VN quản lý, nhưng sau đó Thủ tướng đã quyết định giao cho Tập đoàn Than - Khoáng sản VN và mỏ đã được cổ phần hóa và đưa vào khai thác thử, nhưng do những thiếu sót trong phương án kỹ thuật và quản lý mỏ, việc khai thác đã dừng cách đây 5 năm. Hiện tại, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN đang đề nghị nhà nước cho khai thác lại mỏ, nhưng địa phương và nhiều chuyên gia kỹ thuật và kinh tế của Việt Nam không đồng ý. Hội KHKT Đúc - Luyện kim VN đã nghe báo cáo chuyên đề về mỏ và đã có ý kiến chính thức không tán thành việc tiếp tục khai thác vì 2 lý do chính: - Đặc thù của mỏ quá phức tạp, vượt quá khả năng kỹ thuật hiện tại của Tập đoàn Than và Khoáng sản VN - Chất lượng quặng Thạch Khê có hàm lượng Zn cao, nên khả năng sử dụng bị hạn chế và phương án tiêu thụ sản phẩm không khả 

4. Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do nhà máy Liên hợp thép Formosa gây ra, hội đã có ý kiến phân tích khoa học để góp phần làm rõ nguyên nhân của sự cố. Chính phủ đã buộc trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại do Formosa gây 

5. Hội đã tham gia hội thảo đóng góp ý kiến về dự án Liên hợp thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen ở Ninh Thuận. Bằng văn bản chính thức gửi cho Liên hiệp các Hội KHKT VN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công - Thương, hội bày tỏ sự không nhất trí xây dựng liên hợp thép lớn ở Ninh Thuận, vì ở đó không đủ các điều kiện thích hợp cho dự án. 

6. Báo cáo chuyên đề về công tác đào tạo cán bộ cho ngành luyện kim và những đổi mới trong công tác tổ chức quản lý của Viện KHKT vật liệu trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Việc tuyển chọn những sinh viên có chất lượng tốt cho ngành luyện kim bằng những giải pháp khuyến khích đủ hấp dẫn cũng là những vấn đề tồn tại trong đào tạo nhân lực của ngành. Trong báo cáo cũng đề cập tới những cải cách gần đây của Bộ Giáo dục và đào tạo trong công tác tuyển sinh đang gây khó khăn cho việc tuyển học sinh vào các trường cao đẳng, trung cấp của ngành luyện kim và đặc biệt là các trường dạy nghề công nhân kỹ thuật luyện 

7. Ngoài ra, đối với các dự án thép lớn đang được đầu tư cho ngành thép như: Liên hợp thép của tập đoàn Hòa Phát công suất 4 triệu tấn/năm ở Dung Quất - Quảng Ngãi, dự án Liên hợp thép 7 triệu tấn/năm của An Hưng Tường - Thanh Hóa, dự án mở rộng khu Liên hợp luyện - cán thép ở Phú Mỹ của tập đoàn .. Hội KHKT Đúc -Luyện Kim Việt Nam đều có ý kiến đóng góp dưới nhiều hình thức như viết báo, trả lời phỏng vấn của các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trả lời bằng văn bản khi có yêu cầu. 

8. Hội KHKT Đúc - Luyện kim cũng được mời tham dự các cuộc hội thảo chuyên đề về những vấn đề kinh tế vĩ mô của nhà nước như: - Hội thảo của UB Kinh tế của Quốc hội 1/2018 về “Tháo gỡ những khó khăn để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững”. Tại hội thảo, hội đã có văn bản đề xuất ý kiến của các chuyên gia ngành luyện kim gửi UB Kinh tế của Quốc hội. - Tham dự hội thảo do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức với chủ đề “Nâng cao chất lượng của công tác tư vấn phản biện của các hội ngành toàn quốc”. Hội Đúc - Luyện kim đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo, nêu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia luyện kim rất phong phú và hữu ích, đề cập đến nhiều vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, kể cả những ý kiến không nhất trí với những đề xuất của một số cơ quan quản lý, để các cấp có thẩm quyền xem xét trước khi đưa ra quyết định chính thức.

 Sau mỗi cuộc hội thảo, Trường trực hội đã tập hợp thành văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ có liên quan và gửi Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Hầu hết các ý kiến tư vấn phản biện của hội đã được các cơ quan đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng, đặc biệt là tính khoa học của các đề xuất của hội. Trung bình mỗi năm, các nhà khoa học, là hội viên của hội nhận từ 3 đến 5 đề tài nghiên cứu cấp bộ và cấp nhà nước để tập hợp đội ngũ hội viên tham gia nghiên cứu. Các đề tài được lựa chọn xuất phát từ nhu cầu thực tế của sản xuất ngành đúc - luyện kim của Việt Nam. Hầu hết các đề tài đều được hoàn thành đúng thời hạn và được hội đồng nghiệm thu đánh giá từ khá tới xuất sắc, nhiều đề tài đã được ứng dụng trong sản xuất hoặc được tiếp tục nghiên cứu triển khai. 

Được sự hỗ trợ của Hiệp hội Thép Việt Nam, Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam hàng năm còn nhận đề tài do Hiệp hội Thép Đông Nam Á (gồm 6 nước Đông Nam Á và 4 nước tài trợ Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan) giao cho các nước thành viên để hỗ trợ ngành thép trong nước. Trong nhiệm kỳ Đại hội 6, hội đã nhận được 5 đề tài của Hiệp hội Thép Đông Nam Á giao cho Hiệp hội Thép Việt Nam và hội đã hoàn thành các đề tài được giao và báo cáo kết quả nghiên cứu được Ủy ban Kỹ thuật của Hiệp hội Thép Đông Nam Á chấp thuận và cấp kinh phí cho hội (khoảng 150 triệu VNĐ/cho 1 đề tài), nhờ đó hội có thêm nguồn kinh phí để hội hoạt động trong những năm qua. 

III. CÔNG TÁC XUẤT BẢN TẠP CHÍ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ KIM LOẠI 

Tạp chí của hội được Bộ Văn hóa và Thông tin - Truyền thông cho phép tiếp tục xuất bản năm 2003, sau khi tạp chí cũ của hội mang tên “Tri thức và Công nghệ” bị đình chỉ do vi phạm quy chế của bộ. Từ năm 2003 tới nay, tạp chí đã xuất bản 76 số (định kỳ 2 tháng/1 số) và duy trì thường xuyên mỗi năm xuất bản 6 số tạp chí. Đối với Hội KHKT Đúc - Luyện kim VN, việc duy trì xuất bản tạp chí của hội là một việc rất quan trọng và gặp nhiều khó khăn về thu thập bài đăng và kinh phí xuất bản. 

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Hiệp hội Thép Việt Nam và sự quan tâm đóng góp nhiệt tình của các giáo sư, chuyên gia luyện kim của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những người chịu tránh nhiệm phần nội dung các bài đăng trong tạp chí, nên hội đã đảm bảo xuất bản đều đặn 2 tháng ra một số với nội dung ngày càng cải tiến. Các bài đăng công trình nghiên cứu khoa học trong tạp chí được tính điểm các công trình nghiên cứu khi tác giả bảo vệ các luận văn và các chức danh khoa học, mỗi công trình nghiên cứu đăng trong tạp chí đều phải có 2 phản biện. Ngoài ra, tạp chí còn đăng các bài phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành và kinh tế cả nước. 

Trong nhiệm kỳ 6, hội đã cử PGS TS Đào Hồng Bách làm Tổng biên tập thay cho GS Phùng Viết Ngư xin nghỉ vì tuổi cao, sức khỏe yếu. GS TS Đỗ Minh Nghiệp làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học của tạp chí với 15 thành viên. TS Trịnh Văn Trung làm thư ký Tòa soạn. Công tác tổ chức của tạp chí đã được hoàn thiện. 

IV. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO 

Hội viên của Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam có một lực lượng đông đảo là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường công nhân kỹ thuật và dạy nghề đúc - luyện kim trong cả nước. Chính vì vậy, công tác đào tạo sinh viên, học viên cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác của hội mà lực lượng các chuyên gia đúc - luyện kim ở các trường là một trong những lực lượng nòng cốt trong hoạt động đào tạo. Hàng năm số lượng sinh viên được tuyển vào các ngành luyện kim, đúc và gia công kim loại khá đông đảo. Số sinh viên, học viên, công nhân kỹ thuật tốt nghiệp hàng năm cung cấp cho các cơ sở luyện kim trong cả nước cũng rất lớn. 

Ngành luyện kim Việt Nam trong nước những năm vừa qua phát triển với tốc độ nhanh chóng, nhiều khu liên hợp luyện kim lớn với công suất nhiều triệu tấn/năm đã đi vào sản xuất hoặc đang xây dựng ở các địa phương như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương... làm cho nhu cầu các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật... tăng lên hàng chục ngàn người, vì thế công tác đào tạo nhân lực cho ngành trở thành công tác quan trọng và cấp thiết. Các thầy giáo ở các trường là nòng cốt trong việc đào tạo nhân lực chuyên môn cho cả nước. 

Thời gian qua, nhiều thầy giáo đã được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, được phong danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, được tặng huân chương lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhiều cơ sở luyện kim đã mời các thầy dạy ở các trường đại học và kỹ thuật về mở các lớp học ngay tại nhà máy để đào tạo cán bộ, công nhân theo yêu cầu cụ thể của xí nghiệp. Nhờ vậy, trình độ kiến thức và tay nghề của cán bộ và công nhân luyện kim được nâng cao, tiếp thu kịp thời các yêu cầu của công nghệ và kỹ thuật mới của các nước đầu tư vào Việt Nam. 

V. CÔNG TÁC HỢP TÁC QUỐC TẾ 

Trong nhiệm kỳ 6, Hội KHKT Đúc - Luyện kim Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Đúc Châu Á lần thứ 13 tại Hà Nội (từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 10 năm 2015). Đây là lần thứ 2, hội đăng cai tổ chức hội nghị này (lần thứ 1 là từ 15 đến 18 tháng 11 năm 2005), trong điều kiện phải tự túc gần như hoàn toàn về kinh phí cho hội nghị. Tuy nhiên, nhờ sợ hỗ trợ của Hiệp hội Thép Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp đúc và luyện kim trong cả nước, hội nghị đã đạt được kết quả tốt đẹp. Có 42 báo cáo của các địa biểu đến từ 13 nước trên thế giới và 22 báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam. Sau hội nghị đã thiết lập mối quan hệ giữa Hội Đúc - Luyện kim Việt Nam với Hiệp hội Đúc Châu Âu, Hiệp hội Đúc Trung Quốc và một số hiệp hội các nước. Các doanh nghiệp đúc nước ngoài cũng liên hệ với DN Đúc Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh. 

Năm 2016, Hiệp hội Đúc Châu Âu đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Đúc Châu Âu tại Dresden, CHLB Đức và hiện tại Hiệp hội Đúc thế giới đang mời Việt Nam tham gia là hội viên. Thông qua Hiệp hội Thép Việt Nam, hội cũng hợp tác với Hiệp hội Thép Đông Nam Á, nhận các đề tài về thép để có thêm kinh phí cho hoạt động của hội. Hàng năm, hội đều tổ chức hoặc phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức các hội thảo KHKT để các chuyên gia nước ngoài báo cáo những kỹ thuật mới, những công trình nghiên cứu mới trong lĩnh vực đúc - luyện kim của các nước để các chuyên gia của Việt Nam học tập và tham khảo. Các nhà khoa học ở các trường đại học cũng tăng cường, mở rộng hợp tác với các trường ĐH nước ngoài để trao đổi, giao lưu trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại các trường. Mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học và các cơ sở đúc - luyện kim Việt Nam với Quốc tế ngày càng mở rộng. 

Trong nhiệm kỳ 6, Hội Đúc - Luyện kim Việt Nam đã phối hợp với Hội Đúc CHLB Đức tổ chức hội thảo tại Hà Nội (tháng 12/2017) cùng với 20 doanh nghiệp đúc CHLB Đức sang khảo sát và tìm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp đúc Việt Nam. Tháng 1 năm 2018, Hiệp hội Đúc Trung Quốc cũng cử đoàn gồm 30 doanh nghiệp tới Việt Nam tìm hiểu khả năng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam và đi tham quan 2 doanh nghiệp đúc của Việt Nam, sau khi về nước, họ đã gửi thư cảm ơn và mời đoàn cán bộ đúc - luyện kim Việt Nam sang dự hội thảo và thăm triển lãm về ngành đúc thế giới, tháng 4 năm 2018. 

VI. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI TRONG NHIỆM KỲ 6 

Kinh phí cho hoạt động của hội hàng năm chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Hiệp hội Thép Việt Nam, tiền trích lại 10 % của các đề tài nghiên cứu do hội chủ trì và tiền đề tài nhận của Hiệp hội Thép ĐNÁ. Có một phần đóng góp nhỏ của Trường Đào tạo nghề và Cao đẳng, Thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc hội. Khi có các sự kiện lớn như đăng cai tổ chức Hội nghị Đúc Châu Á lần thứ 13 (năm 2015) thì hội huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp đúc và luyện kim trong nước. Các hội viên tham gia hoạt động hội hoàn toàn là tình nguyện, không lương, và thù lao không đáng kể. Theo sổ sách kế toán, tiền thu mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Số dư còn lại sau khi quyết toán năm 2017 là 385 triệu đồng. Tất cả chứng từ thanh toán đều tuân thủ quy định của nhà nước. Quản lý tài chính của hội do các nhân viên của Hiệp hội Thép Việt Nam quản lý và có trả thù lao cho các nhân viên của Hiệp hội làm các công việc của Hội KHKT Đúc - Luyện kim. Khoản chi phí lớn nhất của hội là xuất bản tạp chí thì Hiệp hội Thép Việt Nam đã tài trợ, Hội Đúc - Luyện kim chỉ trả chi phí phát hành, tiền nhuận bút và thù lao cho ban biên tập theo mỗi số phát hành. 

Những kết quả chính đã đạt được 

Thời gian 5 năm của nhiệm kỳ 6 Hội khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam đã kết thúc. Các nhiệm vụ công tác hội đã được hoàn thành theo đúng điều lệ và tôn chỉ, mục đích do Đại hội đề ra. Tập thể thường vụ hội và các hội viên đã đoàn kết nhất trí trong tất cả các hoạt động của hội, nên dù kinh phí hoạt động eo hẹp, hội luôn được sự hỗ trợ của các hội viên và các cơ quan, doanh nghiệp đúc - luyện kim cả nước để hoàn thành tốt đẹp mọi công việc của hội. Hoạt động của Hội Đúc - Luyện kim Việt Nam đã được Hiệp hội Đúc Châu Á và Châu Âu quan tâm và mong muốn hợp tác. Các cơ quan quản lý KHKT trong nước cũng theo sát hoạt động của hội và chỉ đạo sát sao, khen thưởng động viên kịp thời. 

Trong nhiệm kỳ 6, hội đã được Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam trao tặng 2 cờ thi đua cho Hội KHKT Đúc - LK Hà Nội  và Hội KHKT Đúc - LK Việt Nam. Chủ tịch hội và phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Chu Đức Khải được LHH tặng thưởng danh hiệu “Trí thức tiêu biểu” năm 2015 và 2017. Rất nhiều hội viên của hội đã được Liên hiệp hội trao tặng “Huy hiệu vì sự nghiệp KHKT của Việt Nam”. Trong cả nhiệm kỳ 5 năm, hội không có bất kỳ hoạt động nào vi phạm chủ trương đường lối của Đảng, không có cá nhân nào vi phạm kỷ luật bị cơ quan quản lý khiển trách. Hy vọng với truyền thống của hội, nhiệm kỳ Đại hội 7 tới sẽ đạt được nhiều thành tích tốt đẹp hơn nữa. 

Phần 2 PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI KHKT ĐÚC LUYỆN KIM VIỆT NAM TRONG NHIỆM KỲ TỚI

Sau đại hội nhiệm kỳ VI, ở nhiệm kỳ mới, hội sẽ bầu các vị trí lãnh đạo hội mới, trẻ tuổi hơn, nhiệt tình công tác và sức khỏe tốt hơn, hy vọng hội sẽ có những chuyển biến tích cực trên các mặt hoạt động của mình. Sau đây là những công tác chính của nhiệm kỳ tới.  

I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC 

Ngay sau đại hội 7, Hội KHKT Đúc - LK cần tiến hành đại hội các chi hội thành viên, tìm các hội viên có kiến thức tốt, nhiệt tình công tác hội, có sức khỏe, vào các vị trí lãnh đạo ở các chi hội địa phương như Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Một số các chi hội địa phương như Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định,.. thì vừa củng cố tổ chức, vừa triển khai các công việc cụ thể để thu hút các hội viên tham gia hoạt động hội. Tổ chức các chi hội làng nghề đúc truyền thống tham gia Hội Đúc - Luyện kim Việt Nam ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... 

II. CÔNG TÁC TƯ VẤN PHẢN BIỆN VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC 

Bám sát các vấn đề thời sự, kinh tế của ngành đúc -luyện kim để đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện giúp cho ngành đúc - luyện kim phát triển bền vững. Tiếp tục đăng ký nhận các đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước để tập hợp đội ngũ trí thức của ngành tham gia công tác nghiên cứu Khoa học, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Tham gia ý kiến về các dự án luyện kim lớn được nhà nước cho phép đầu tư khi có yêu cầu. Tham gia ý kiến về các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất đúc - luyện kim.  

III. CÔNG TÁC HỢP TÁC QUỐC TẾ 

Mở rộng quan hệ hợp tác trong ngành sản xuất đúc - luyện kim với Hiệp hội Đúc thế giới, Hội Đúc Châu Âu và Hiệp hội Đúc các nước Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia,... Tăng cường hợp tác với Hiệp hội ngành đúc - luyện kim các nước Đông Nam Á, với Hiệp hội Thép Đông Nam Á để có sự hỗ trợ kinh phí thông qua các đề tài nghiên cứu trong ngành đúc - luyện kim Việt Nam. Tăng cường hợp tác giao lưu với chuyên gia ngành đúc - luyện kim các nước thông qua các chuyến thăm của các đoàn chuyên gia đúc - luyện kim các nước tới Việt Nam bàn khả năng hợp tác. Tổ chức các báo cáo chuyên đề về công nghệ và kỹ thuật mới cùng thiết bị đúc - luyện kim của chuyên gia các nước tiên tiến tới Việt Nam. Tăng cường công tác giao lưu hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa các trường Đại học ngành đúc - luyện kim Việt Nam với các trường đại học các nước.  

IV. CÔNG TÁC XUẤT BẢN TẠP CHÍ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ KIM LOẠI 

- Duy trì xuất bản đều đặn (2 tháng/1 số) tạp chí Khoa học và công nghệ Kim loại của hội, chú ý thu nhận các bài viết về kỹ thuật sản xuất kim loại đen, kim loại màu và sản xuất đúc. Đăng tải nhiều bài viết về quản lý sản xuất, kinh doanh của ngành làm cho nội dung tạp chí phong phú và đa dạng hơn. 

- Xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở các đơn vị sản xuất, nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng các ngành để có thêm nhiều bài viết có chất lượng. 

- Đặt vấn đề thu hồi một phần kinh phí cho tạp chí (trước mắt là ở các đơn vị có lượng phát hành lớn) để hỗ trợ kinh phí phát hành tạp chí. 

- Tiếp tục hợp tác với Hiệp hội Thép Việt Nam đăng ký các đề tài kỹ thuật với Hiệp hội Thép Đông Nam Á để có thêm phần kinh phí cho hội hoạt động. Những định hướng nêu trên chỉ là khái quát các hoạt động chính của hội trong nhiệm kỳ tới. Trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới, ban lãnh đạo hội sẽ cập nhật, thảo luận trong Ban Thường vụ những vấn đề cần phải tiến hành để đảm bảo hoạt động hiệu quả.